Tăng cường giám sát việc cải cách hệ thống thuế
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Kế hoạch giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm, nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan được giám sát và người đứng đầu các cơ quan được giám sát. Giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đối tượng được giám sát để kịp thời điều chỉnh phù hợp trong chỉ đạo điều hành, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Thông qua chương trình giám sát, Tổng cục Thuế sẽ thu thập thông tin làm cơ sở đánh giá tính toàn diện về năng lực, tinh thần đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các cơ quan được giám sát; lan toả các kinh nghiệm, sáng kiến có giá trị trong quá trình thực hiện để áp dụng thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện cải cách hiện đại hoá công tác quản lý thuế trong các năm tiếp theo.
Việc theo dõi, giám sát đối với các nội dung cải cách công tác quản lý thuế đã được đề ra trong Chiến lược, chương trình và kế hoạch cải cách hệ thống thuế sẽ tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao của toàn ngành Thuế để thực hiện đạt hiệu quả cao theo mục tiêu đề ra.
Để thực hiện được mục tiêu này, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tiểu ban chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo công tác cải cách quản lý thuế theo các nội dung và lộ trình đã đề ra trong chương trình, kế hoạch.
Ngoài việc giám sát qua báo cáo, hồ sơ, tài liệu, ý kiến kiến nghị của đối tượng được giám sát và thông tin thu thập được qua các cuộc kiểm tra đối tượng được giám sát, Tổng cục Thuế có thể tổ chức các đoàn khảo sát, giám sát trực tiếp tại cục thuế.
Báo cáo, biên bản của đoàn giám sát cần đánh giá đầy đủ, bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch; chỉ ra những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân, những chuyển biến sau khi thực hiện.
Quá trình triển khai giám sát bảo đảm tổ chức các đoàn công tác tinh gọn, đủ năng lực làm việc, kiên quyết giảm thiểu các thủ tục hành chính, không làm cản trở việc thực hiện nhiệm vụ bình thường của các đối tượng được giám sát; cá thể hoá trách nhiệm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc giám sát được thực hiện thường xuyên hoặc theo chuyên đề hàng năm; đối với giám sát trực tiếp sẽ được thông báo và gửi chương trình trước khi thực hiện giám sát cho đối tượng được giám sát.
Trên cơ sở kết quả giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp, bộ phận tổng hợp tiến hành phân tích, đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 theo từng nội dung; xây dựng báo cáo kết quả giám sát đồng thời đề xuất, kiến nghị Ban chỉ đạo tham mưu với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp, nội dung triển khai thực hiện Chiến lược đạt kết quả tốt.
Kịp thời kiến nghị, xử lý, điều chỉnh mục tiêu, nội dung hoạt động và lộ trình triển khai của Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 khi thông qua việc giám sát phát hiện những rủi ro, sự kiện thay đổi bất lợi, cản trở việc đạt được các mục tiêu, kết quả cải cách công tác quản lý thuế mà Chiến lược đã đề ra.
Cùng với đó, dựa trên cơ sở kết quả giám sát, khi cần thiết phải kiểm tra chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, vướng mắc để bảo đảm các chương trình, kế hoạch cải cách công tác quản lý thuế được thực hiện nghiêm thì các nội dung này sẽ được đề xuất với cấp có thẩm quyền lồng ghép trong kế hoạch kiểm tra nội bộ hàng năm./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/tang-cuong-giam-sat-viec-cai-cach-he-thong-thue-657263.html
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến ()