Tăng cường giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, khảo sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND; đẩy mạnh công tác đôn đốc, trả lời, xử lý dứt điểm những kiến nghị sau giám sát...
Tổ chức 357 kỳ họp, ban hành 6.377 nghị quyết
Trình bày báo cáo tóm tắt tại Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá về tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, sáng 25/3, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dưới sự lãnh đạo, đúng đắn, sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng; sự chủ động, đồng hành, linh hoạt, nhạy bén, kiến tạo thể chế, tạo nên khung khổ pháp lý quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương; sự chủ động, trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cùng với sự quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Ở địa phương, HĐND đã ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, công tác giám sát; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mới, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, khoa học, bám sát thực tiễn và có nhiều đổi mới, tăng tính chuyên nghiệp, năm 2023, HĐND cấp tỉnh cả nước đã tổ chức 357 kỳ họp, trong đó, có 130 kỳ họp thường lệ, 154 kỳ họp chuyên đề và 73 kỳ họp đột xuất; đã kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc triển khai thực hiện các chủ trương mới của Trung ương, bảo đảm kịp thời, thực chất và hiệu quả cao, hướng tới mục tiêu cao nhất phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cử tri và nhân dân. Nhiều địa phương đã tổ chức các kỳ họp theo phương thức kỳ họp không giấy.
Trong năm, đã ban hành 6.377 Nghị quyết, tăng 504 nghị quyết so với năm 2022 (trong đó, có 1.681 Nghị quyết quy phạm pháp luật, 4.969 Nghị quyết cá biệt). "Điều đó phản ánh khối lượng công việc rất lớn, góp phần rất quan trọng kịp thời ban hành những cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc cấp bách của địa phương" - Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận định.
Tăng 225 đoàn giám sát, giảm 2.038 khiếu nại, tố cáo
Hoạt động giám sát tại kỳ họp HĐND được thực hiện đúng quy định của luật và hướng dẫn tại Nghị quyết của UBTVQH. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới, thực chất, rõ kết quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, cơ bản bảo đảm thực chất, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.
Về hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp HĐND, trong năm đã tổ chức 1.332 đoàn giám sát, tăng 225 đoàn so với năm 2022. Qua đó, đã có 9.618/13.273 kiến nghị được xử lý, đạt tỷ lệ 72,44%. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã tập trung vào các nội dung quan trọng, bức xúc; trong năm có 7.127 khiếu nại, tố cáo, giảm 2.038 so với năm 2022. Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được tăng cường giám sát theo đến cùng các vụ việc.
Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được thực hiện tốt. Nội dung khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh của công dân có liên quan chủ yếu đến lĩnh vực tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ, bồi thường tái định cư, chế độ hưởng bảo hiểm xã hội...
Về phương hướng công tác trọng tâm năm 2024, UBTVQH đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn nữa, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, tạo đột phá hơn nữa để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
"Tăng cường giám sát, khảo sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND; đẩy mạnh công tác đôn đốc, trả lời, xử lý dứt điểm những kiến nghị sau giám sát nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động giám sát, góp phần chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế..
5 người nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" bị bắt giam, miễn nhiệm chức vụ
Năm 2023, ở Cấp tỉnh có tổng số 1.700 người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Kết quả số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm cao" là 1.546/1.700 người, chiếm tỷ lệ 90,94%. Có 1 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp", hiện nay đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ở Cấp huyện có tổng số 12.028 người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm cao" là 10.968/12.028 người, chiếm tỷ lệ 91,19%. Có 8 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp"; 1 trường hợp có trên 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp".
Đối với 8 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" đã được xử lý như sau: Tại Bình Phước, 1 người đã xin từ chức và được chấp thuận; tại Hậu Giang, HĐND cấp huyện đã họp bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ đối với 1 người; tại Nghệ An, HĐND cấp huyện thuộc tỉnh Nghệ An đã tổ chức kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm và đã miễn nhiệm đối với 2 người; tại TP Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy đã có Quyết định bố trí, luân chuyển công tác khác; tại Hòa Bình, HĐND đã tổ chức họp bỏ phiếu tín nhiệm nhưng kết quả bỏ phiếu không đạt quá nửa tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" nên vẫn được giữ nguyên chức vụ.
Hiện nay, còn tỉnh Kiên Giang và Quảng Nam đang tiến hành các thủ tục, quy trình để sớm trình HĐND xem xét, quyết định theo quy định pháp luật.
Ý kiến ()