Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã nêu một hệ thống các giải pháp để xây dựng Đảng, trong đó chỉ ra "xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, cơ chế Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...".Trong điều kiện Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát đối với Nhà nước và các cơ quan dân cử có ý nghĩa quan trọng trong việc Đảng lãnh đạo để phát huy quyền làm chủ về chính trị của nhân dân đối với Nhà nước và cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.Góp phần quán triệt, thực hiện nội dung mà Nghị quyết nêu trên, dưới đây xin nêu một số giải pháp tăng cường hoạt động giám sát của cử tri đối với các cơ quan dân cử và đại biểu các cơ quan dân cử....
Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu một hệ thống các giải pháp để xây dựng Đảng, trong đó chỉ ra “xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, cơ chế Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…”.
Trong điều kiện Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát đối với Nhà nước và các cơ quan dân cử có ý nghĩa quan trọng trong việc Đảng lãnh đạo để phát huy quyền làm chủ về chính trị của nhân dân đối với Nhà nước và cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.
Góp phần quán triệt, thực hiện nội dung mà Nghị quyết nêu trên, dưới đây xin nêu một số giải pháp tăng cường hoạt động giám sát của cử tri đối với các cơ quan dân cử và đại biểu các cơ quan dân cử.
Thứ nhất, cần quán triệt quan điểm của Đảng về tăng cường hoạt động giám sát của nhân dân được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng. Thể chế hóa quan điểm về giám sát nhân dân của Đảng thành pháp luật, tạo ra cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động giám sát của nhân dân. Điều này bảo đảm sự thống nhất từ quan điểm của Đảng đến pháp luật của Nhà nước và quan trọng là khẳng định những chủ trương đó trên thực tế cuộc sống. Việc thể chế hóa quan điểm của Đảng thành pháp luật là điều cực kỳ quan trọng và quyết định đến chất lượng của hoạt động giám sát nhân dân. Đặc biệt là nghiên cứu để có thể thể chế hóa nhanh chóng những quan điểm mang tính chất chỉ đạo của Đảng qua văn kiện Đại hội XI và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 về xây dựng Đảng vừa qua để tăng cường vai trò của giám sát nhân dân.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của hoạt động giám sát đối với bộ máy nhà nước nói chung và các cơ quan dân cử nói riêng. Nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân thông qua hoạt động tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Bên cạnh đó, phải nâng cao dân trí, có biện pháp cụ thể để khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia đối thoại với các cơ quan, cán bộ công chức. Do đó, cần phải trang bị cho nhân dân các thông tin và kiến thức cần thiết để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Nhân dân chỉ có thể thực hiện được sự giám sát của mình khi có trình độ dân trí cao, ý thức dân chủ và tự giác chính trị, từ đó “dám” thực hiện quyền và có nghĩa vụ giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chú trọng việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân, trong đó quy định rõ nội dung trưng cầu ý dân, quyền quyết định trưng cầu ý dân, trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân. Theo đó, cần phải có quy định cụ thể về trách nhiệm, thủ tục xem xét ý kiến, kiến nghị của nhân dân và đánh giá, sử dụng kết quả trưng cầu ý dân. Ban hành Luật Giám sát của nhân dân làm cơ sở pháp lý để hiện thực hóa sự giám sát của nhân dân. Hoàn thiện Luật Khiếu nại và tố cáo để thành cơ chế pháp lý bảo đảm cho nhân dân không chỉ thực hiện quyền khiếu nại mà còn thực hiện tốt hơn nữa quyền tố cáo của mình. Hệ thống hóa những văn bản dưới luật về quy chế dân chủ cơ sở để nâng Pháp lệnh dân chủ cơ sở thành Luật về dân chủ cơ sở. Thực hiện tốt quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở cũng chính là cách thức để nhân dân giám sát Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân một cách hiệu quả. Bởi vì những quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở chính là những quy định rất cụ thể những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân.
Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát của nhân dân đồng thời với tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát khác. Tăng cường sự phối hợp giữa giám sát nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, Ban thanh tra nhân dân với hoạt động giám sát của Quốc hội, hoạt động thanh tra của Chính phủ và hoạt động kiểm tra của Đảng. Mặt trận Tổ quốc phải thật sự trở thành kênh giám sát có hiệu quả và thực hiện những chức năng cơ bản của Mặt trận đó là giám sát và phản biện xã hội. Cần phát huy tối đa sự tham gia của các tổ chức hội ở cơ sở như Hội Cựu chiến binh, người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Luật gia, Đoàn Thanh niên vào các hoạt động giám sát nhằm đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực ở địa phương. Đó cũng chính là phương thức tập hợp sức mạnh đồng bộ của toàn thể xã hội, tạo cơ chế đồng bộ để thực hiện sự giám sát của nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát của toàn xã hội trong việc kiểm soát quyền lực cũng là quá trình tạo nên sự đồng thuận xã hội.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Trong đó, quy định rõ hơn nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu, bảo đảm cho họ “đủ quyền”, “thực quyền” và hoạt động có hiệu quả. Những nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã thể hiện phần nào những quan điểm, phương hướng của Đảng và Nhà nước ta. Tuy vậy, trong thực tế hiệu lực, hiệu quả của nhiều hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp còn đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật của nhiều cơ quan tổ chức khác, như trong hoạt động giám sát. Bởi vì điều này có ý nghĩa thiết thực bảo đảm cho những nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân các cấp mang tính hiện thực, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực tế cũng cho thấy rằng, những đại biểu khi giám sát thì nêu yêu cầu, kiến nghị, đề nghị, song nhiều yêu cầu, kiến nghị đó chỉ nhận được sự trả lời chung chung, còn chờ kiểm tra… mà không có sự cụ thể hóa, cá nhân hóa trách nhiệm của người sẽ giải quyết, thời hạn giải quyết xong, nếu không giải quyết xong thì chịu trách nhiệm như thế nào? Chính vì vậy, chúng ta phải quy định thật cụ thể trách nhiệm của đại biểu, của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết những yêu cầu, kiến nghị của nhân dân. Có nghĩa là chúng ta phải xây dựng chế tài kiểm chứng những lời hứa, việc làm của các cơ quan nhà nước, xác định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ sáu, đổi mới hoạt động kỳ họp của Hội đồng nhân dân. Các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân, bởi vì tất cả các hoạt động khác của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân đều được kết tinh trong các báo cáo, nghị quyết kỳ họp. Những vấn đề đưa ra thảo luận, quyết nghị tại kỳ họp Hội đồng nhân dân là các vấn đề có ý nghĩa chủ đạo đối với đời sống của nhân dân và hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và công dân ở mỗi cấp địa phương. Cần có cơ chế để tại kỳ họp Hội đồng nhân dân có thể xem xét kết quả thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân một cách cụ thể, khách quan; đánh giá các tiêu cực, hạn chế và quy trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức và cá nhân cụ thể cùng các chế tài tương ứng. Nhân dân có thể bãi nhiệm đại biểu hoặc đề nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý những cá nhân để xảy ra các vi phạm, không thực hiện đúng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ bảy, đổi mới cơ chế lựa chọn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhằm lựa chọn được những đại biểu có năng lực, phẩm chất, có tâm huyết và ý chí tham gia hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Trong thực tế, việc chú ý bảo đảm có cơ cấu đại biểu là cần thiết, nhưng mặt khác, yêu cầu hiện nay là phải coi trọng chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Phải có quan điểm đúng và những giải pháp thực hiện tương ứng. Hội đồng nhân dân là cơ quan có vai trò quyết định ở địa phương, việc chọn đại biểu là chọn ra những người ưu tú nhất, tận tâm nhất, có khả năng nhất, vì dân nhất trong nhân dân để gánh vác việc của dân, đại biểu Hội đồng nhân dân là sự tập trung trí tuệ của địa phương, quyết định những vấn đề “của dân, do dân, vì dân” ở địa phương. Điều này đòi hỏi những quy định của Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân tiếp tục được chi tiết hóa hơn nữa theo những tiêu chuẩn đại biểu trong thực tế, nhất là coi trọng tiêu chuẩn về độ tuổi, sức khỏe, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, trình độ văn hóa một cách rõ ràng và cụ thể hơn.
Thứ tám, đổi mới cơ chế hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, không chỉ tuyên truyền, giải thích, phổ biến nghị quyết, kết quả kỳ họp, thu thập nguyện vọng của cử tri, mà còn phải tọa đàm, đối thoại, giải đáp ý kiến của cử tri, tiếp thu yêu cầu, kiến nghị của cử tri về những vấn đề đang bức xúc ở mỗi địa phương, đánh giá tình hình kết quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Tăng cường các cuộc tiếp xúc cử tri, có thể tiếp xúc cử tri theo giới, theo lĩnh vực, theo từng tổ chức nghề nghiệp theo hướng chủ động, thực quyền… để những vấn đề cử tri nêu ra cho đại biểu Hội đồng nhân dân có tính cụ thể, tập trung và tạo điều kiện cho đại biểu Hội đồng nhân dân giải quyết nhanh chóng những yêu cầu, kiến nghị đó.
Hoạt động giám sát nhân dân nói chung và giám sát cử tri đối với Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là một phương thức kiểm soát quyền lực quan trọng. Nó thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là phương thức để mở rộng dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta hiện nay. Giám sát nhân dân đối với các cơ quan dân cử và đại biểu các cơ quan dân cử chính là làm cho quyền lực của nhân dân được thực thi trong cuộc sống, kiểm soát được sự ủy quyền, chống lại sự lạm quyền, lộng quyền của cán bộ, công chức khi được nhân dân giao quyền. Sự ủy quyền phải được thực hiện công khai minh bạch, tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải đi vào thực chất, xứng đáng là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Phải kết hợp chặt chẽ giữa giám sát mang tính công quyền với giám sát mang tính tự quản của nhân dân, kết hợp giữa dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp.
Làm được như vậy là cách phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân đối với kiểm soát quyền lực nhà nước, thiết thực thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 về xây dựng Đảng, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với Nhà nước và xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()