Tăng cường giám sát môi trường khai thác khoáng sản
LSO - Chi Lăng là một trong những huyện có tiềm năng về khai thác khoáng sản, đặc biệt là vật liệu xây dựng và một số mỏ quặng sắt có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo quy hoạch, quy định hiện hành, huyện Chi Lăng còn tăng cường giám sát vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở này.
Dây chuyền nghiền quặng tại mỏ quặng sắt Gia Chanh, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng |
Vào những năm 2010-2011, trên địa bàn huyện Chi Lăng có tới trên 15 điểm khai thác khoáng sản, chủ yếu là đá vôi làm vật liệu xây dựng và các loại quặng kim loại. Thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, đến nay số lượng các điểm mỏ đủ điều kiện hoạt động theo quy định đã giảm đáng kể xuống còn dưới 5 điểm khai thác khoáng sản.
Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chi Lăng cho biết: Hiện trên địa bàn huyện còn 3 doanh nghiệp khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng và một doanh nghiệp đang làm thủ tục cấp mới giấy phép khai thác quặng sắt. Đối với các mỏ khai thác đá vôi đang hoạt động, hằng năm, phòng đều lập kế hoạch kiểm tra, giám sát vấn đề bảo vệ môi trường như kiểm tra hồ sơ, quản lý chất thải…Đồng thời thường xuyên nắm thông tin từ nhân dân trong khu vực mỏ hoạt động, từ đó có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Trong tháng 5 và tháng 7/2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh kiểm tra 3 cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn về công tác bảo vệ môi trường của 3 doanh nghiệp.
Kết quả kiểm tra cho thấy một số doanh nghiệp còn nhiều thiếu sót trong việc bảo vệ môi trường như: chưa niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường theo quy định, chưa thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường (trường hợp của Công ty Cổ phần mỏ đá Đồng Mỏ).
Công ty Trách nhiệm hữu hạn đá Thượng Thành chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án. Ngoài ra công ty còn cho các doanh nghiệp khác thuê mặt bằng lắp đặt trạm trộn bê tông nhựa nóng mà chưa lập hồ sơ thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định.
Từ kết quả kiểm tra thực tế tại hiện trường và hồ sơ tại các mỏ, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại nêu trên.
Ngay sau đó, doanh nghiệp đã có ý thức chấp hành việc khắc phục môi trường như Công ty trách nhiệm hữu hạn đá Thượng Thành đã sửa chữa vận hành trở lại hệ thống phun mưa chống bụi tại cơ sở khai thác chế biến đá xây dựng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã đầu tư một xe tưới nước định kỳ một ngày tưới 2 lần tại các tuyến đường khu vực mỏ hoạt động.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Kiểm soát vấn đề môi trường tại các mỏ khai thác khoáng sản luôn được huyện đặc biệt quan tâm và nằm trong chương trình công tác chỉ đạo điều hành hàng tháng của UBND huyện. Do vậy, các phòng chức năng, UBND các xã – nơi có các mỏ đang hoạt động phải nêu cao tinh thần trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Ngoài ra để kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, huyện còn đề nghị Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc quan trắc tại các cơ sở và thông tin lại cho huyện từ đó huyện có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời.
Bài, ảnh: Công Quân
Ý kiến ()