Tăng cường giám sát, chủ động tiêm phòng
LSO-Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch lớn, trên gia súc, gia cầm. Thế nhưng các ổ bệnh vẫn lẻ tẻ xuất hiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Trong đó đáng chú ý nhất là các chủng vi rút gây bệnh trên gia súc, gia cầm đã có sự biến đổi gây khó khăn cho công tác phòng trừ. Trong thời điểm này việc giám sát dịch bệnh, chủ động tiêm phòng, kết hợp với thực hiện tốt vệ sinh trong chăn nuôi vẫn là một trong những biện pháp trọng tâm.
Cán bộ Chi cục Thú y hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cao Lộc khử trùng chuồng trại |
Đầu tháng 4/2014, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy một số mẫu trên đàn gia cầm ở thôn Kéo Quang, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định gửi Cục Thú y để xét nghiệm cúm A/H5N1. Kết quả bất ngờ là tới tháng 7 vừa qua, kết quả có mẫu dương tính với chủng vi rút H5N6. Đây là chủng vi rút có độc lực rất cao, đã xuất hiện và gây tử vong trên người ở Trung Quốc. Chính vì sự nguy hiểm đó, mà việc mẫu gia cầm dương tính với H5N6 được đặc biệt quan tâm. Ngay sau đó Chi cục thú y cùng với cán bộ của Cục đã tiến hành điều tra dịch tễ, xác minh, truy xuất nguồn gốc.
Thực chất thôn Kéo Quang, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định không phải là địa bàn giáp biên. Thêm vào đó, qua điều tra dịch tễ cho thấy, hầu hết giống gia cầm trên địa bàn đều do nhân dân chủ động bằng các biện pháp ấp nở thủ công. Chính vì vậy khó có thể khẳng định được chủng vi rút này xâm nhiễm từ đâu. Tuy nhiên rất may khi các cơ quan chuyên môn tiếp tục lấy các mẫu gia cầm khác trên địa bàn thôn Kéo Quang để xét nghiệm thì các kết quả đều âm tính với H5N6. Mặc dù vậy, việc từng có mẫu dương tính với chủng vi rút cúm A/H5N6 cũng là điều đáng lo ngại.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh tuy không có các ổ dịch lớn trên gia súc, gia cầm, nhưng các ổ bệnh vẫn lẻ tẻ xuất hiện. Diễn biến đáng chú ý là dịch bệnh lở mồm long móng. Theo thống kê của cơ quan thú y, từ tháng 12/2013 đến trung tuần tháng 8/2014, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò đã xảy ra tại 22 thôn trên địa bàn 9 xã của 3 huyện là Chi Lăng, Bình Gia và Văn Lãng. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 736 con. Điều đáng chú ý là chủng vi rút gây bệnh đã biến đổi từ type O sang type A. Ở một diễn biến khác, từ đầu năm đến nay cúm gia cầm H5N1 cũng lẻ tẻ xuất hiện. Tháng 1/2014 bệnh xuất hiện tại 2 hộ của xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia. Đến tháng 2-3/2014, cúm gia cầm xuất hiện ở 2 xã Nhật Tiến và Đồng Tiến của huyện Hữu Lũng.
Có thể khẳng định nhận thức của các hộ chăn nuôi về an toàn dịch bệnh và năng lực, sự tận tâm của cán bộ thú y trong thời gian vừa qua đã có những chuyển biến rất tích cực. Đó chính là yếu tố quan trọng để khoanh vùng, dập tắt ngay các ổ bệnh trong phạm vi hẹp. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: hiện nay, công tác giám sát dịch bệnh, tiêm phòng và vệ sinh khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi là những biện pháp trọng tâm hàng đầu để phòng dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, công tác giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm tiếp tục được Chi cục Thú y phối hợp với các đơn vị khác triển khai thực hiện. Qua giám sát, hiện trên địa bàn không xuất hiện chủng vi rút cúm A/H7N9. Trong khi đó tỷ lệ lưu hành vi rút cúm A/H5N1 trên đàn vịt tại một số chợ trên địa bàn tỉnh từ 1,47-1,85%. Theo cơ quan chuyên môn, đây là tỷ lệ thấp so với tỉ lệ bình quân của các địa phương khác. Tuy nhiên nguy cơ vẫn thường trực, bởi vào thời điểm này khi các hộ chăn nuôi đang gây đàn chuẩn bị cho tết Nguyên đán thì hiện tượng nhập lậu gia cầm giống lại bắt đầu tăng cao. Ngoài việc đẩy mạnh ngăn chặn nhập lậu gia cầm trên các tuyến biên giới, thì việc tăng cường giám sát dịch bệnh trong nội địa cũng rất quan trọng.
Đối với công tác tiêm phòng, theo số liệu của cơ quan chức năng, tỷ lệ tiêm phòng các bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm tới thời điểm này đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Duy chỉ có tiêm phòng lở mồm long móng là đạt thấp, tới trung tuần tháng 8/2014, tỷ lệ tiêm chỉ đạt 48,7% so với kế hoạch và giảm 4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do biến đổi của chủng vi rút nên công tác tiêm phòng phải chờ nguồn vắc xin nhị giá từ Trung ương. Theo lãnh đạo Chi cục Thú y, tới giữa tháng 7/2014, Trung ương mới cấp đủ vắc xin, thời điểm đó lại rơi vào lúc chuyển vụ và khắc phục hậu quả của bão số 2, nên tỷ lệ tiêm chưa cao. Tuy nhiên dự kiến đến hết tháng 8/2014 sẽ hoàn tất tiêm phòng lở mồm long móng, quyết tâm đạt tỷ lệ từ 80% trở lên.
Với quyết tâm cao, Lạng Sơn đang nỗ lực, quyết tâm đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Đặc biệt là trong thời điểm những tháng cuối năm này.
Ngày 18/8/2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 884 về tăng cường phòng, chống cúm A H5N6. Theo đó chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện sớm các ổ dịch cúm; phối hợp đồng bộ thực hiện ngăn chặn nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng vi rút có độc lực cao, đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch. Yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng, các cấp, ngành hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch. |
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()