Tăng cường giám sát chất lượng nông sản nhập khẩu qua biên giới
Cán bộ Chi cục Kiểm dịch vùng 7, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) kiểm tra mẫu quả. Địa hình phức tạp, rừng núi trùng điệp, giao thông đi lại khó khăn... những kiểm dịch viên vùng biên còn luôn phải khắc phục những khó khăn như lực lượng mỏng, thiếu phương tiện hiện đại để làm việc với cường độ cao nhất, nhằm "canh gác" chất lượng nông sản nhập khẩu qua các tỉnh biên giới. Kết quả bước đầu Chúng tôi cùng cán bộ, nhân viên Chi cục Kiểm dịch thực vật (KDTV) tỉnh Lạng Sơn có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh từ 6 giờ 30 sáng một ngày nghỉ cuối tuần. Còn hơn một tháng là đến Tết Nguyên đán, công việc vận chuyển, buôn bán các loại hàng nông sản, thực phẩm qua biên giới trở nên nhộn nhịp và khẩn trương hơn bao giờ hết. Từng đoàn xe công-te-nơ, xe tải lớn chở hàng trăm tấn hàng nông sản các loại nối đuôi nhau thành hàng dài qua cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục nhập khẩu (NK). Nhân viên "một cửa" Trạm KDTV Tân Thanh Nguyễn Hữu Đoàn cho biết: "Từ khi...
Cán bộ Chi cục Kiểm dịch vùng 7, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) kiểm tra mẫu quả. |
Địa hình phức tạp, rừng núi trùng điệp, giao thông đi lại khó khăn… những kiểm dịch viên vùng biên còn luôn phải khắc phục những khó khăn như lực lượng mỏng, thiếu phương tiện hiện đại để làm việc với cường độ cao nhất, nhằm “canh gác” chất lượng nông sản nhập khẩu qua các tỉnh biên giới.
Kết quả bước đầu
Chúng tôi cùng cán bộ, nhân viên Chi cục Kiểm dịch thực vật (KDTV) tỉnh Lạng Sơn có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh từ 6 giờ 30 sáng một ngày nghỉ cuối tuần. Còn hơn một tháng là đến Tết Nguyên đán, công việc vận chuyển, buôn bán các loại hàng nông sản, thực phẩm qua biên giới trở nên nhộn nhịp và khẩn trương hơn bao giờ hết. Từng đoàn xe công-te-nơ, xe tải lớn chở hàng trăm tấn hàng nông sản các loại nối đuôi nhau thành hàng dài qua cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục nhập khẩu (NK). Nhân viên “một cửa” Trạm KDTV Tân Thanh Nguyễn Hữu Đoàn cho biết: “Từ khi thực hiện Luật An toàn thực phẩm (ATTP) và Thông tư số 13 đến nay, công tác KDTV có nhiều chuyển biến tích cực. Những ngày cuối năm này, mỗi ngày giải quyết hàng trăm bộ hồ sơ. Chúng tôi luân phiên trực, có hôm đến 22 giờ, để tạo điều kiện làm thủ tục nhanh gọn cho các doanh nghiệp (DN)”. Trạm trưởng KDTV cửa khẩu Tân Thanh Bế Thị Thu Hiền cho biết thêm, vừa qua, Trạm đã phát hiện trong một lô hàng mận nhập khẩu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá giới hạn cho phép. Các loại quả trái mùa thường có các hóa chất và thuốc BVTV để bảo quản, nguy cơ tồn dư thuốc BVTV cao hơn các loại hoa quả chính vụ. Trạm KDTV Tân Thanh đề nghị cho “tái xuất” ngay lô hàng trên và có văn bản thông báo tới Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm Bằng Tường (Trung Quốc) phối hợp để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các mặt hàng nông sản,…
Bắt đầu từ ngày 1-7-2011, Luật An toàn thực phẩm và Thông tư số 13 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) được thực hiện. Công tác của đội ngũ cán bộ Cục Bảo vệ thực vật nói chung và cán bộ, nhân viên Chi cục Kiểm dịch thực vật các tỉnh, thành phố nói riêng có trách nhiệm rất lớn, từ việc quản lý ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển,… đến tăng cường kiểm soát, lấy mẫu 100% số mặt hàng xuất nhập khẩu (XNK). Chi cục KDTV vùng 7 có tổng số 32 cán bộ, nhân viên phụ trách công tác KDTV tại bốn tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên.
Chi cục trưởng Chi cục KDTV vùng 7 Nguyễn Thị Hà cho biết, khi mới thực hiện Luật ATTP và Thông tư số 13, chúng tôi có những khó khăn nhất định. Một số DN vì lợi nhuận, cho nên chưa chú trọng việc kiểm tra tận gốc các loại hàng nông sản NK, thậm chí cho rằng, KDTV chỉ là khâu kiểm tra “cho phải phép” để có đủ điều kiện thông quan. Trong quá trình kiểm tra, nhiều khi chủ DN tỏ thái độ bất hợp tác. Chi cục đã họp bàn, đưa ra những giải pháp quyết liệt như: tuyên truyền, vận động, phối hợp các cơ quan, ban, ngành, hướng dẫn chi tiết, cụ thể Luật ATTP và Thông tư số 13 đến các doanh nghiệp XNK nông sản. Chị Mai Thị Lượm, Công ty Cổ phần Quỳnh Lam (Lào Cai) cho biết, Công ty thành lập cách đây hơn mười năm. Trước đây, Công ty chưa có những giải pháp mạnh, chủ quan trong công tác ATTP. Điển hình là việc NK lô hàng nông sản (khoai tây) bị sâu nên phải “tái xuất”, thiệt hại hơn 60 triệu đồng. Từ khi có Luật ATTP và Thông tư số 13, các trạm KDTV tại các cửa khẩu kiểm dịch rất nghiêm ngặt, nên công ty cũng quan tâm hơn việc kiểm tra ATTP và nguồn gốc, xuất xứ của các lô hàng.
Khó khăn và bất cập
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện việc kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu đối với hàng nông sản vẫn dựa vào cảm tính, cảm quan. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, mới lấy mẫu gửi về hai phòng phân tích đặt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để kiểm tra và bảy ngày sau mới có kết quả phân tích, kiểm tra. Vì thời gian để phân tích một mẫu rau, củ, quả kéo dài, trong khi, nông sản tươi không thể để lâu ở cửa khẩu, phải cho lô hàng lưu thông ngay dù chưa có kết quả phân tích. Sau khi có kết quả kiểm tra phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, hoặc phát hiện chất cấm thì lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Mỗi ngày có hàng chục tấn trái cây đủ các loại vẫn ồ ạt nhập qua các cửa khẩu, trong khi việc kiểm tra chỉ lấy một số mẫu ngẫu nhiên cho nên khó kiểm soát chặt chẽ được.
Tại cửa khẩu Kim Thành, điểm thông quan số 2 (Lào Cai), chúng tôi tận mắt chứng kiến cường độ làm việc của cán bộ, nhân viên của Chi cục KDTV vùng 8. Trời giá lạnh mà họ vẫn lấm tấm mồ hôi vì phải trèo lên, trèo xuống trên những xe tải cao ngất chất đầy hàng hóa nông sản để kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm. Hàng nông sản nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chủ yếu là hoa quả thì ở cửa khẩu Lào Cai, hàng nhập khẩu có các loại: Nho, lựu, tỏi, gừng, hành khô,… Trạm trưởng KDTV cửa khẩu Kim Thành Vũ Văn Thành cho biết: Gần Tết, hàng nông sản NK với số lượng lớn, nhân viên KDTV lại thiếu cho nên thường xuyên phải làm thêm giờ. Bây giờ là 15 giờ 15 phút rồi mà một số anh em vẫn chưa được ăn cơm trưa,… Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải tỉ mỉ, thận trọng kiểm tra từng mẫu hàng nông sản, thực phẩm, bảo đảm không xảy ra sai sót trong công tác KDTV. Từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trang bị cho Chi cục KDTV các vùng biên giới hệ thống test kits (là bộ thử nhanh, cho kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, chỉ khoảng 60 phút), từ tháng 7 đến nay, chưa phát hiện mẫu hàng nông sản nào có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.
Công việc “làm ngày, làm đêm” vất vả như vậy, lý do gì mà vẫn “lọt” được một số loại nông sản tồn dư thuốc BVTV? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục KDTV vùng 8 (Lào Cai) Nguyễn Văn Tuân cho biết: Đây là công việc khá khó khăn vì hàng nông sản được vận chuyển vào cửa khẩu bằng nhiều “cửa” khác nhau (chính ngạch và tiểu ngạch) với nhiều loại phương tiện; số lượng, chủng loại nhiều,… Chỉ hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, với lực lượng có 21 người, phụ trách sáu tỉnh, nên chúng tôi tập trung lực lượng, lập phương án hữu hiệu để ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất việc vận chuyển, kinh doanh những mặt hàng nông sản,… vi phạm Luật ATTP và Thông tư số 13.
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn
Theo Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Xuân Hồng: Từ Cục BVTV đến các Chi cục KDTV các tỉnh đã quyết liệt triển khai và có những giải pháp thực hiện nghiêm Luật ATTP và Thông tư số 13, cho nên người dân có thể yên tâm sử dụng các loại nông sản nhập khẩu được phép lưu thông trong nước theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, có thể khẳng định, công tác KDTV tại các tỉnh vùng biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cần được nâng cao hơn nữa. Trang thiết bị cũng cần được đầu tư, nâng cấp, vì hiện nay vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ; Tổ chức hệ thống phòng kiểm nghiệm chất lượng cao lại tập trung ở những thành phố lớn, chưa khai thác được hết công suất của các trang thiết bị và đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên,… Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương; các cấp, các ngành có liên quan cần có kế hoạch phối hợp cụ thể; quy định chặt chẽ về ATTP hàng nông sản, thực phẩm; đẩy mạnh công tác truyền thông đến các DN và người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm với các doanh nghiệp cố tình vi phạm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, kể cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời với việc công bố kết quả giám sát, kiểm định, không che giấu địa chỉ, sản phẩm cụ thể vi phạm quy định ATTP; cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp kiểm tra chặt chẽ. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình, lựa chọn mua hoa quả tại các siêu thị, quầy kinh doanh uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Từ ngày 25-12-2012, Nghị định 91 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm bị phạt từ 3 đến 20 triệu đồng. Vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt từ 3 đến 40 triệu đồng. Vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt từ 15 đến 50 triệu đồng. Vi phạm quy định về sử dụng vi chất dinh dưỡng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng; Đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.
|
Theo Nhandan
Ý kiến ()