Tăng cường giải pháp “kích cầu” hàng Việt
(LSO) – Những năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Lạng Sơn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Từ đó, nhận thức và thói quen mua sắm của người dân từng bước thay đổi theo hướng ưu tiên hàng Việt.
Người dân mua sắm, chọn lựa hàng Việt Nam tại siêu thị Lasvilla, thành phố Lạng Sơn
Bà Lâm Thị Hiện, xã Đề Thám, huyện Tràng Định chia sẻ: Trước đây, tôi không mấy quan tâm về nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2014, khi có dịp đi phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tôi mua sắm các vật dụng gia đình về dùng thì nhận thấy rất nhiều ưu điểm như: độ bền cao, mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý. Từ đó, tôi thường xuyên mua sắm và sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước, vì vừa biết rõ nguồn gốc, lại tiện lợi, an toàn.
Ngoài bà Hiện, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang có rất nhiều người tiêu dùng “trung thành” với các mặt hàng Việt, từ đồ gia dụng, thực phẩm đến quần áo, mỹ phẩm từ thiên nhiên.
Qua khảo sát tại chợ và một số siêu thị trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cho thấy, hiện nay bán rất đa dạng các mặt hàng, trong đó chủ yếu là hàng Việt Nam. Ông Vũ Quốc Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Đô (Siêu thị Thành Đô) cho biết: Tại siêu thị, các mặt hàng Việt Nam chiếm khoảng 90%. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới khâu nhập hàng, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn đầy đủ… Bên cạnh đó, để thu hút khách, siêu thị duy trì và thực hiện tốt các chương trình khuyến mại theo nhà cung cấp, đồng thời, vẫn giữ giá cả ổn định.
Tìm hiểu được biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ưu tiên mua sắm hàng Việt. Đồng thời, từ năm 2010 đến nay, hằng năm, UBND tỉnh đều hỗ trợ một số doanh nghiệp để thực hiện chương trình bình ổn giá.
Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú cho biết: Hiện nay, công ty chúng tôi chuyên phân phối các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng tới gần 2.000 cửa hàng trên toàn tỉnh với 100% là hàng Việt Nam. Năm 2017, doanh nghiệp được hỗ trợ vay 3 tỷ đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá. Từ số vốn đó, chúng tôi chủ động nhập trước một số mặt hàng như: bánh kẹo, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm… Để đảm bảo các đại lý bán đúng giá, tại mỗi huyện chúng tôi chọn 1 cửa hàng làm “Điểm bán hàng bình ổn giá”. Tại đó, sẽ niêm yết giá bán đầy đủ để người tiêu dùng có thể so sánh, đối chiếu với các cửa hàng khác. Chương trình bình ổn giá theo tôi có rất nhiều ưu điểm như: vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhập hàng giá tốt, vừa giúp người tiêu dùng, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mua được các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, hằng năm, các ban, ngành chức năng của tỉnh duy trì tổ chức từ 15 đến18 hội chợ tại các huyện, thành phố; tổ chức từ 3 đến 5 phiên chợ/năm (phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn) tại các huyện, quy mô 20 – 30 gian hàng/phiên với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất uy tín trong cả nước. Các mặt hàng trưng bày đều là hàng Việt Nam đạt chất lượng, giá cả phải chăng, tạo được niềm tin và thu hút người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để duy trì có hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới toàn thể người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, phát triển mạng lưới phân phối, tổ chức các hội chợ cung cấp hàng hóa của Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn giá; tiếp tục tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện theo mô hình lồng ghép với hội chợ thương mại. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa.
Ý kiến ()