Tăng cường đưa thông tin về cơ sở
LSO-Đưa thông tin về cơ sở là một trong những nội dung nằm trong chủ trương giảm nghèo của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho bà con cập nhật thông tin thời sự, kiến thức trong lao động sản xuất… Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đẩy mạnh bồi dưỡng cán bộ thông tin tại cơ sở và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất thông tin trên địa bàn tỉnh.
Thanh niên huyện Lộc Bình học tập kinh nghiệm sản xuất tại điểm truy cập Internet của xã |
Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là nông nghiệp và lâm nghiệp. Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất thì cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Tuy nhiên, cái khó đối với nông dân khu vực nông thôn là trình độ dân trí chưa đồng đều, việc tìm hiểu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất qua các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế. Thêm vào đó, cơ sở vật chất, phương tiện cung cấp thông tin cho nông dân trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bên cạnh giảm nghèo về kinh tế thì giảm nghèo về thông tin cũng được đặc biệt quan tâm.
Ông Đinh Quang Thuận, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Sở TTTT cho biết: Để người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là xã vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận thông tin thời sự, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, sở chủ động tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác truyền thanh, truyền hình, thông tin tại cơ sở. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức cho 200 đến 240 người về nghiệp vụ quản lý và cung cấp thông tin trên địa bàn xã, phường, thị trấn và bồi dưỡng kỹ năng viết tin, bài. Qua đó, cán bộ làm công tác cung cấp thông tin tại cơ sở có kiến thức, kỹ năng để chọn lọc, biên tập cung cấp những thông tin hữu ích cho người dân khu vực nông thôn. Bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin tại cơ sở, năm 2017, Sở TTTT tập trung xây dựng các tác phẩm báo chí giới thiệu về quy trình canh tác, điển hình tiên tiến trong sản xuất. Cùng đó, ký hợp đồng sản xuất 10 ấn phẩm khoa giáo truyền hình với nội dung giới thiệu kỹ thuật chăn nuôi bò, lợn, gà và các loại cây đặc sản trên địa bàn tỉnh như: hồng, quýt, lê, na… Những ấn phẩm này không chỉ được đăng tải trên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình, trang thông tin điện tử các huyện mà còn được in sao thành đĩa DVD gửi về xã làm tài liệu tuyên truyền.
Theo số liệu của Sở TTTT, đến hết năm 2017, toàn tỉnh còn 4.509 hộ thiếu phương tiện thông tin. Còn lại cơ bản được sử dụng dịch vụ viễn thông, có tài sản tiếp cận thông tin. Với những hộ khó khăn về phương tiện tiếp cận thông tin, sở đầu tư mua sắm 1.250 chiếc radio thu nghe các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2017, sở khảo sát đầu tư xây dựng 15 trạm truyền thanh xã (nâng tổng số lên 35 trạm) tại 10 huyện, đầu tư nâng cấp 17 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ (nâng tổng số điểm lên 28). Nhờ đó, chất lượng các chương trình phát thanh được nâng lên, người dân có thể dễ dàng bắt sóng bằng đài radio, điện thoại di động hoặc nghe trực tiếp trên loa truyền thanh tại khu dân cư. Ngoài ra, duy trì 33 điểm truy cập Internet tại các xã. Anh Lộc Văn Báo, xã Bính Xá, huyện Đình Lập cho biết: Từ khi hệ thống truyền thanh được nâng cấp, dù ở nhà hay ngoài đồng, chúng tôi cũng có thể cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các kiến thức khoa học kỹ thuật.
Trong năm 2018, công tác đưa thông tin về cơ sở sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, bên cạnh đầu tư cụm loa phát thanh không dây cho 10 đơn vị, Sở TTTT còn đa dạng hóa nội dung thông tin đưa về cơ sở. Qua đó giúp người dân khu vực nông thôn cập nhật các vấn đề thời sự, đặc biệt là thông tin khoa học kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()