Tăng cường đối thoại, giải quyết bức xúc từ cơ sở
(LSO) – Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân là kênh thông tin quan trọng để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị của người dân. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của dân vào cấp ủy đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Hoạt động đối thoại trực tiếp đi vào nền nếp
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 13/6/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 320 về Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân. Qua đó, hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đều tổ chức đối thoại, tạo môi trường thân thiện, cởi mở cho người dân bày tỏ nguyện vọng ý kiến của mình.
Tại Bắc Sơn, từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 42 cuộc đối thoại với người dân theo hình thức đối thoại chuyên đề và đối thoại định kỳ, trong đó 2 cuộc đối thoại cấp huyện và 40 cuộc đối thoại ở cấp xã. Ông Trần Minh Bảo, Bí thư chi bộ, Trưởng khu Trần Phú, thị trấn Bắc Sơn cho biết: Tại các cuộc đối thoại được tổ chức thời gian qua đã có hơn 50 lượt ý kiến của tiểu thương trình bày ý kiến của mình về giá thuê mặt bằng, cách bố trí sắp xếp gian hàng trong chợ… Thông qua hoạt động đối thoại chính quyền và doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin để có giải pháp sắp xếp hợp lý cho người dân, từ đó giải quyết kịp thời các kiến nghị đáp ứng nguyện vọng của bà con kinh doanh, buôn bán tại chợ.
Lãnh đạo huyện Lộc Bình tổ chức đối thoại đột xuất với người dân các thôn khu vực lòng hồ dự án thủy lợi Bản Lải
Tương tự, huyện Bình Gia đặc biệt quan tâm đến tổ chức đối thoại với Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cấp xã, các phòng ban của huyện, lựa chọn chủ đề, cụ thể để tổ chức đối thoại. Theo đó, cấp ủy, chính quyền cấp xã nghiêm túc thực hiện. Đơn cử, xã Bình La trong riêng năm 2019 đã tổ chức được 2 cuộc đối thoại với người dân thôn Cóc Phường và Bản Khoang. Hai cuộc đối thoại đã ghi nhận hơn 20 ý kiến của người dân kiến nghị Nhà nước cần quan tâm đầu làm đường giao thông, công trình nước sạch… Bước sang năm 2020, xã lựa chọn và tổ chức đối thoại với chủ đề như: kế hoạch nâng chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển sản xuất…
Ông Hoàng Xuân Đình, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Gia cho biết: Chủ trương của huyện là tăng cường tổ chức đối thoại nhằm lắng nghe và phản ánh những vấn đề người dân quan tâm về phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và vấn đề an ninh nông thôn. Với cấp xã, huyện chỉ đạo tập trung đối thoại tại thôn bản, khối phố với mục tiêu vừa nắm bắt tâm tư vừa giải quyết ngay những vấn đề phát sinh tại khu dân cư. Từ năm 2019, huyện yêu cầu mỗi xã, thị trấn tổ chức đối thoại ít nhất 1 kỳ/năm, theo đó, 100% xã, thị trấn đều tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân.
“Huyện Cao Lộc là địa bàn đang triển khai nhiều công trình dự án. Trong quá trình thực hiện thường nảy sinh rất nhiều ý kiến, kiến nghị, vướng mắc từ người dân. Để giải quyết kịp thời, ngoài việc tiếp dân, UBND huyện tăng cường tổ chức đối thoại với người dân. Trong 8 tháng của năm 2020, UBND huyện đã tổ chức được 26 cuộc đối thoại trực tiếp với sự tham gia của 106 lượt hộ dân bị ảnh hưởng bởi 10 dự án. Trong đó có 18 cuộc đối thoại thành công với 74 lượt hộ gia đình, cá nhân đồng thuận với cách giải thích và phương án giải quyết của UBND. Hiệu quả từ việc đối thoại trực tiếp là rất rõ, tới đây, UBND huyện tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc”. Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc |
Cùng với Bắc Sơn và Bình Gia, các huyện, thành phố đều thực hiện nghiêm túc Quyết định 320. Cấp ủy, chính quyền các cấp coi tổ chức hoạt động đối thoại thành nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài tổ chức đối thoại định kỳ các cấp ủy và chính quyền các cấp còn tổ chức đối thoại đột xuất khi cần thiết để lắng nghe giải quyết kịp thời các ý kiến của cộng đồng dân cư và công dân nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác đối thoại trực tiếp. Một số huyện thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại đột xuất như: Lộc Bình, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.
Giải quyết kịp thời những bức xúc từ cơ sở
Trong tháng 2 và tháng 5/2020, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình đã liên tục tổ chức 3 cuộc đối thoại với nhân dân một số thôn tại xã Tĩnh Bắc để giải quyết bức xúc của người dân liên quan đến công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án hồ chứa nước Bản Lải. Ông Hoàng Văn Lệ, thôn Bản Quyêng, xã Tĩnh Bắc cho biết: Phương án bồi thường tạm tính ban đầu cho các hộ dân khu vực lòng hồ cao hơn so với phương án bồi thường chính thức nên một số hộ dân thắc mắc bức xúc. Khi cấp ủy, chính quyền của huyện trực tiếp đến xã tổ chức đối thoại đột xuất, chúng tôi được gặp gỡ người đứng đầu, được bày tỏ các ý kiến, thắc mắc về phương án bồi thường. Qua đối thoại, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã giải đáp thắc mắc, nêu lý do và nguyên nhân rất rõ ràng, thỏa đáng giúp chúng tôi có thêm nhiều thông tin chính thức, các bức xúc được giải tỏa.
“Cuối năm 2019, tại cuộc đối thoại trực tiếp do Đảng ủy, UBND xã Hùng Sơn tổ chức, một số hộ dân trong thôn Nà Cà đã có cơ hội trình bày mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xi măng để bê tông hóa một số tuyến đường thôn. Đến đầu năm 2020, thôn đã được huyện, xã phân bổ 30 tấn xi măng do Nhà nước hỗ trợ để làm đường giao thông. Những mong muốn của người dân được giải quyết kịp thời, đã củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền cơ sở . Cùng với việc tiếp xúc cử tri, hằng năm, việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với người dân rất hiệu quả, cần được phát huy”. Ông Ma Văn Nin, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Cà, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định |
Ngoài huyện Lộc Bình, một số huyện đã tổ chức các cuộc đối thoại đột xuất và giải quyết có hiệu quả các vấn đề phát sinh từ cơ sở như: huyện Cao Lộc tổ chức đối thoại với người dân thị trấn Đồng Đăng, xã Hồng Phong, xã Phú Xá; huyện Hữu Lũng đối thoại với nhân dân 13 xã chịu ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; huyện Chi Lăng đối thoại với người dân, các tiểu thương về xây dựng chợ nông sản thị trấn Chi Lăng… Qua đây, nhiều vụ việc được người đứng đầu giải quyết trực tiếp hoặc giao cho các phòng chuyên môn giải quyết bằng văn bản gửi đến người dân.
Bà Giáp Thị Bắc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Đối thoại là một kênh dân vận khéo có nhiều ý nghĩa. Cùng với tiếp công dân, công tác đối thoại trực tiếp đã phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết các vẫn đề phát sinh từ đời sống dân sinh. Không chỉ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, đối thoại trực tiếp còn góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc mới phát sinh từ cơ sở, góp phần giảm thiểu đơn thư, giảm bức xúc trong Nhân dân, hạn chế hình thành các điểm nóng cũng như khiếu kiện đông người. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, thắt chặt mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân.
Theo Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, sau khi kết thúc hội nghị đối thoại, chậm nhất là 10 ngày làm việc, phải thông báo kết luận của người chủ trì đối thoại về những vấn đề đối thoại để Nhân dân được biết. Chậm nhất 20 ngày làm việc từ khi có thông báo kết luận của người đứng đầu cấp ủy, các cấp, ngành, cơ quan được giao có trách nhiệm giải quyết vụ việc theo kết luận và thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho tập thể, cá nhân có liên quan. Từ năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh tổ chức được 283 cuộc đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Trong đó, có 40 cuộc đối thoại ở cấp huyện, 243 đối thoại ở cấp cơ sở. Qua đối thoại đã ghi nhận hơn 600 ý kiến của người dân. Trong đó phần lớn các ý kiến được giải quyết tại hội nghị, còn lại đều được trả lời bằng văn bản. |
Ý kiến ()