Tăng cường đoàn kết, tiếp tục phấn đấu để Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững
Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh LSO- Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã đoàn kết, kiên trì khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ đề ra.
Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh
Kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2011 – 2015 đạt 8,65%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 34,76 triệu đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2010). Đã tích cực huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tiếp tục được khai thác hiệu quả, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, năng lực sản xuất, kinh doanh được tăng cường đáng kể. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 213 xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được 4 mùa, đạt tỷ lệ 94,2%; 97,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; nâng cấp và xây mới 14 trường học, 1.153 phòng học, có thêm 46 trường học đạt chuẩn quốc gia, đưa số trường đạt chuẩn đến hết năm 2015 lên 130 trường; hoàn thành cải tạo, nâng cấp 10 bệnh viện tuyến huyện; có 85% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 97% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch. Nông, lâm nghiệp phát triển ổn định, tổng sản lượng lương thực bình quân đạt trên 300 nghìn tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực; chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện và có kết quả bước đầu, dự kiến đến hết năm 2015, có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thương mại, dịch vụ phát triển tốt, công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu ngân sách trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 17,53%.
Thành phố Lạng Sơn trên đà đổi mới. Ảnh: THANH SƠN
Lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 28,34% năm 2010 xuống còn 11,9% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 3,29%; trong 5 năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 6,27 vạn lao động; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định, tiếp tục được cải thiện.
Chính trị – xã hội ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền được nâng lên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có nhiều chuyển biến tiến bộ và có quyết tâm cao hơn, tạo được sự ổn định mọi mặt cho phát triển.
Là tỉnh biên giới, có các cửa khẩu quan trọng nối liền nước ta với Trung Quốc, một nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh, quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung ngày càng phát triển, sẽ là những yếu tố có tác động rất lớn đến quan hệ hợp tác giữa hai nước, giữa Lạng Sơn với Quảng Tây. Với lợi thế nằm trong hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài và hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Những thành tựu trong 30 năm đổi mới đã và đang được phát huy, tình hình chính trị – xã hội ổn định, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, sự đồng thuận trong nhân dân ngày càng tăng lên, sẽ là những điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự ổn định để thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh trong những năm tới.
Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, sản xuất hàng hoá chậm phát triển, tâm lý, tập quán sản xuất nhỏ còn khá phổ biến, hạ tầng kinh tế – xã hội thấp kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp; khả năng huy động các nguồn lực cho đầu tư hạn chế, các lĩnh vực văn hoá – xã hội còn nhiều yếu kém; tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều mặt bất cập, tình hình thiên tai, dịch bệnh, thị trường, có thể diễn biến phức tạp, khó lường.
Tình hình và xu thế trên đây sẽ tạo ra cả những cơ hội thuận lợi và những khó khăn thách thức đan xen, tác động trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh trong 5 năm tới. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVI xác định mục tiêu tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2015 – 2020 là : Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động mọi nguồn lực; đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững. Đồng thời, đề ra các chỉ tiêu chủ yếu sau: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8 – 9%. (2) Đến năm 2020 tỷ trọng các ngành trong cơ cấu GRDP là : nông lâm nghiệp 19 – 20%, công nghiệp – xây dựng 20 – 21%, dịch vụ 60 – 61%. (3) Đến năm 2020 GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 – 2.700 USD. (4) Tổng sản lượng lương thực hằng năm duy trì khoảng 300 nghìn tấn. (5) Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân từ 9 – 10%. (6) Thu nội địa tăng bình quân từ 8 – 9%. (7) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn khoảng 76 – 78 nghìn tỷ đồng. (8) Đến năm 2020 có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới. (9) Đến năm 2020 tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 82%. (10) Đến năm 2020 tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% và tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 99,9%. (11) Số trường học đạt chuẩn quốc gia phát triển thêm từ 70 – 75 trường, đến 2020 nâng số trường đạt chuẩn lên 200 – 205 trường. (12) Đến năm 2020 tỷ lệ thôn, khối phố có nhà văn hoá đạt 99%. (13) Đến năm 2020 tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 50%; có 10 bác sỹ và 29,4 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%. (14) Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 55%. (15) Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm khoảng 2%. (16) Giảm tai nạn giao thông hằng năm cả 3 tiêu chí từ 5% trở lên. (17) Trồng rừng mới hằng năm 9.000 ha; đến năm 2020 tỷ lệ che phủ của rừng đạt khoảng 60%. (18) Đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý đạt khoảng 95%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 98%. (19) Kết nạp đảng viên mới mỗi năm 2.000 đảng viên trở lên. (20) Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh đến cuối nhiệm kỳ đạt từ 65% trở lên. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đến cuối nhiệm kỳ đạt 80% trở lên, trong đó tỷ lệ đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trở lên đến cuối nhiệm kỳ đạt 95% trở lên.
Người dân xã Hữu Khánh (Lộc Bình) thu hoạch lúa mùa Ảnh: BT
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, chúng ta xác định: trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, cần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực cho phát triển toàn diện, bền vững; đặc biệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở thật sự tiền phong, gương mẫu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội.
Hai là, phát triển nhanh nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cán bộ khoa học công nghệ, đội ngũ công nhân, lao động có chất lượng cao, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phải tạo được chuyển biến căn bản trong việc nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài.
Ba là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; huy động tối đa mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng đồng bộ và hiện đại, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển toàn diện lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung khai thác tối đa năng lực sản xuất công nghiệp hiện có, tạo điều kiện phát triển một số cơ sở công nghiệp có lợi thế.
Bốn là, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị – xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Năm là, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức thiết, đảm bảo an sinh xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh hướng vào phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong những năm tới.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường đoàn kết, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tận dụng tốt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực của tỉnh, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
P.T.K
Ý kiến ()