Tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số
Học sinh Trường Mầm non 10/10 thị trấn Thất Khê trong giờ học nghe kể chuyện |
Tại trường mầm non ở các huyện miền núi trong tỉnh, đa số trẻ mẫu giáo, mầm non và học sinh đầu cấp tiểu học là con em đồng bào DTTS chưa rành tiếng Việt. Một phần do môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt hạn chế và không thuần nhất, các em chỉ nói tiếng Việt khi ở trường còn khi về với gia đình các em lại nói thuần tiếng dân tộc. Đây là điểm mấu chốt dẫn đến việc nhiều em tiếp thu bài giảng bằng ngôn ngữ tiếng Việt khá chậm. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã chủ động rà soát việc xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ người DTTS theo đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS” trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn.
Mục tiêu của đề án phấn đấu “đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hằng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.
Là người gắn bó với học sinh vùng cao đã nhiều năm, cô giáo Dương Thị Thượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Học sinh của trường phần lớn là dân tộc Dao, các em còn nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp. Bởi vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên nhà trường đã linh hoạt sử dụng các biện pháp dạy trẻ học tiếng Việt qua kể chuyện, làm các đồ chơi minh hoạ để thu hút trẻ. Cùng đó, khi thấy các em không hiểu bài giảng thì ngoài phát âm bằng tiếng Việt, các giáo viên còn dùng cả tiếng dân tộc của học sinh để trao đổi với các em, giúp các em hiểu và tiếp thu tiếng Việt tốt hơn.
Qua thực tế triển khai đề án, ngoài công tác giáo dục tại nhà trường, đề án đã tập trung vào công tác truyền thông, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS. Đồng thời biên soạn tài liệu, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường, lớp và tham gia học 2 buổi/ngày, bảo đảm chuyên cần…
Trong năm học 2016 – 2017 vừa qua, đối với cấp mầm non, 100% các trường đều xây dựng được môi trường tăng cường dạy tiếng Việt, lồng ghép dạy tiếng Việt trong các hoạt động giáo dục cho trẻ; 100% trẻ DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1. Đối với cấp tiểu học, qua đánh giá cuối năm học, môn Tiếng Việt có 46,1% tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt chương trình; hơn 53,1% xếp loại hoàn thành (0,7% chưa hoàn thành).
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Trong năm học 2017 – 2018, để thực hiện hiệu quả đề án, sở đã yêu cầu các trường, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh tập trung hoàn thành các tiêu chí mà đề án đã đặt ra. Đặc biệt, trong quá trình dạy trẻ phải chú ý đến việc phân loại khả năng tiếng Việt của trẻ để có phương pháp, nội dung tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ; tăng thời lượng tập nói tiếng Việt, đặc biệt là đối với những trẻ mới ra lớp. Chú ý bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học. Qua đó, tạo tiền đề để học sinh học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.
Ý kiến ()