Tăng cường đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn ở Tây Nguyên
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay Chính phủ đã hỗ trợ, phân bổ kịp thời 245 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn, buôn, bon, làng, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới của các tỉnh Tây Nguyên nhằm góp phần phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng được gần 19.300 công trình hạ tầng như giao thông, cầu cống, thủy lợi, trường học, chợ, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình cung cấp nước sạch, điện, nhà công vụ cho giáo viên… Cũng từ nguồn vốn của Chương trình 135, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng được 72 trung tâm cụm xã, gần 100% số xã có trường tiểu học, 80% số xã có trường trung học cơ sở kiên cố, hơn 90% số xã có trạm Bưu điện văn hóa xã, hơn 60% số xã có chợ. Trong vùng, 100% số xã đã có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, xây dựng được 245 công trình thủy lợi ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, bảo đảm năng lực tưới cho hơn 7.000 ha cây trồng và xây dựng 141 công trình điện sinh hoạt, nâng số xã có điện lưới quốc gia lên gần 98%. Từ nguồn vốn trên, đã đầu tư xây dựng 351 công trình nước sinh hoạt, phục vụ cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nước hợp vệ sinh, nước sạch để sử dụng.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hỗ trợ hơn 354,5 tấn hạt giống, gần 17,230 triệu cây giống các loại, hơn 80.000 con vật nuôi, hàng nghìn tấn phân bón, thuốc trừ sâu… cho 278.676 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ 40.264 máy móc, công cụ phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm cho hơn 85.300 lượt hộ; tổ chức gần 99.000 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm cho đồng bào… Kết thúc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Chương trình 135, các tỉnh Tây Nguyên có 92 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2012-2015, các tỉnh Tây Nguyên có 244 xã và 574 thôn, buôn, bon, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()