Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
(LSO) – Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân cũng tăng cao, nhất là các thực phẩm như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát… Do vậy, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đang được các ngành chức năng quan tâm, kiểm soát chặt chẽ, nhằm đảm bảo cho mọi người dân đón tết, vui xuân an toàn, lành mạnh.
Dạo quanh các chợ và một số siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều gia đình đã bắt đầu mua sắm thực phẩm để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Càng đến gần tết, không khí mua sắm trở nên nhộn nhịp hơn, đây cũng là thời điểm các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc dễ dàng xâm nhập vào thị trường.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có 2.700 cơ sở thực phẩm thuộc ngành y tế quản lý. Nhằm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra 29 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định. Tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát…
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các sản phẩm mứt tết tại Cơ sở Mứt tết Thanh Huyền, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn
Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP cho biết: “Qua thực tế kiểm tra cơ sở trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, phần lớn cơ sở đều có giấy đăng ký kinh doanh, các hồ sơ thủ tục, hoá đơn kinh doanh đầy đủ, sản phẩm được các chủ cơ sở chọn lọc và đều có thời hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là tín hiệu vui trong việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ cơ sở vi phạm, đoàn đã nhắc nhở, yêu cầu trả lại hoặc tiêu huỷ những sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, hạn sử dụng”.
Song song với công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành còn tuyên truyền đến các hộ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng kiến thức về vệ sinh ATTP. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền nghiêm cấm kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, không có tem, các mặt hàng đã hết thời hạn sử dụng. Theo kế hoạch, đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra 15 cơ sở tại các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định. Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội xuân để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Để đảm bảo vệ sinh ATTP, bên cạnh việc kiểm tra của ngành chức năng thì ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh và đặc biệt là sự lựa chọn hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ của người tiêu dùng sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Qua đó, đảm bảo quyền lợi, sức khoẻ cho người tiêu dùng và hạn chế tới mức tối đa trường hợp ngộ độc thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
TRIỆU THÀNH
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()