Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào địa bàn
LSO-Trong giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh ta đã huy động tổng vốn đầu tư đạt 19.500 tỷ đồng, đạt 92,8% so với mục tiêu đề án đề ra.
LSO-Trong giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh ta đã huy động tổng vốn đầu tư đạt 19.500 tỷ đồng, đạt 92,8% so với mục tiêu đề án đề ra. Riêng 2 năm 2011 – 2012, tổng vốn đầu tư huy động đạt 13.584 tỷ đồng; trong đó: vốn trong nước 12.632 tỷ đồng, vốn nước ngoài 952 tỷ đồng. Từ năm 2006 đến 2012, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 265 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 19.616 tỷ đồng. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, hạ tầng dịch vụ như bến xe, kho bãi trung chuyển hàng hóa, trung tâm thương mại.
Hàng hoá chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Bảo Lâm (Cao Lộc) |
Theo đánh giá của ngành chức năng, kết quả thu hút vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh tuy chưa đạt như mong đợi nhưng đã có bước tiến đáng kể, cơ cấu nguồn vốn đầu tư có sự thay đổi theo đúng định hướng, gia tăng sự đầu tư của tư nhân, giảm dần sự đầu tư của nhà nước. Các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, công tác quy hoạch, các hoạt động xúc tiến được chú trọng, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đối với hoàn thiện các cơ chế chính sách, các cấp, các ngành đã có sự chủ động hơn trong việc tham mưu sửa đổi, bổ sung trình UBND tỉnh ban hành hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2007 đến năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành 17 cơ chế chính sách liên quan đến công tác thu hút vốn đầu tư như: chính sách ưu đãi đầu tư vào tỉnh, chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu, chính sách hỗ trợ lãi vay đối với các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp. Trong 2 năm 2011 – 2012, tỉnh đã ban hành 12 cơ chế chính sách liên quan về sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu, Quy chế phối hợp công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trên địa bàn tỉnh, quy chế thẩm tra cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Từ các chính sách được cụ thể hóa phù hợp đã từng bước thể hiện sự minh bạch hóa chính sách của tỉnh, tạo thiện cảm của nhà đầu tư đối với Lạng Sơn cũng như tạo cơ sở cho công tác chỉ đạo điều hành đối với các hoạt động thu hút đầu tư từ tỉnh đến cơ sở nhất quán và ngày càng hiệu quả. Cùng với các cơ chế chính sách thì việc nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Ngoài tập trung hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh thường xuyên cử các đoàn cán bộ tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong và ngoài tỉnh cũng như nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ tiếp cận xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào địa bàn tỉnh. Đi đôi với tổ chức, tham gia hội nghị, các hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra đa dạng và là hoạt động thường xuyên, được xây dựng chương trình hàng năm. Cụ thể: hàng năm UBND tỉnh đều có rà soát và ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh (gồm các danh mục gọi vốn ODA, NGO), lựa chọn một số dự án tiêu biểu để giao các ngành báo cáo tiền khả thi nhằm cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ hơn tới các nhà đầu tư, xây dựng cuốn tài liệu về giới thiệu môi trường đầu tư, đĩa DVD giới thiệu môi trường đầu tư. Hàng năm tỉnh dành nguồn kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng ưu tiên cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào địa bàn tỉnh.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, việc huy động vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực dân doanh cũng như từ đầu tư nước ngoài là khó khăn, vì vậy trong chỉ đạo, điều hành, các cấp, các ngành đều ưu tiên triển khai việc đa dạng, mở rộng các phương thức đầu tư. Gần đây nhất tỉnh đã đăng ký 3 dự án trọng điểm của tỉnh nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn là: Khu trung chuyển, khu chế xuất I và hạ tầng khu phi thuế quan vào danh mục thí điểm triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) của Chính phủ. Hiện nay, về góc độ chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh đang thành lập Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giúp việc PPP để nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư theo hình thức này. Từ sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ, quyết liệt và đồng bộ, Lạng Sơn đã và đang mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp và tin cậy để thu hút các nguồn vốn, các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()