Tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
– Sáng 24/8, tại thành phố Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) phục vụ xuất khẩu.
Hội nghị được thực hiện trực tuyến tới 150 điểm cầu trên cả nước (điểm cầu 63 tỉnh, thành và các điểm cầu của các tổ chức, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông sản).
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn, về phía trung ương có các đồng chí: Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật; đại diện các cục, vụ thuộc Bộ NN&PTNT cùng đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT của 15 tỉnh có vùng trồng hoa quả xuất khẩu lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị
Về phía tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Theo báo cáo tại hội nghị, công tác quản lý nhà nước về MSVT và CSĐG phục vụ xuất khẩu được các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Kết quả, tính đến tháng 7/2023, cả nước có 6.883 MSVT và 1.588 mã số CSĐG phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, công tác giám sát MSVT và CSĐG sau khi cấp mã số của các địa phương còn hạn chế như: tỷ lệ giám sát còn thấp; sử dụng mã số chưa đúng, tình trạng thu hái, xuất khẩu sản phẩm chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ các nước nhập khẩu từ chối nông sản đã được cấp mã còn cao…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Lạng Sơn là một trong những địa bàn trung chuyển, tổ chức các dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó trọng điểm là xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Năm 2018, Trung Quốc yêu cầu các nông sản xuất khẩu chính ngạch phải đăng ký MSVT, CSĐG, nắm bắt được thay đổi này, tỉnh đã quan tâm xây dựng, phát triển MSVT nông sản chủ lực. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã cấp 178 MSVT với diện tích 900 ha, 13 mã CSĐG thạch đen.
Để hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng hoa quả tươi sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các địa phương có vùng trồng các sản phẩm nông sản, hoa quả xuất khẩu tăng cường công tác quản lý MSVT, CSĐG đối với sản phẩm xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đầu đủ các quy định, yêu cầu của thị trường xuất khẩu; các doanh nghiệp, thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thông tin về tình hình xuất khẩu trên khu vực cửa khẩu để chủ động, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, xuất khẩu phù hợp với thực tiễn.
Tại hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, lãnh đạo Sở NN&PTNT một số tỉnh, thành, đại diện một số ngành của tỉnh Lạng Sơn, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp… đã tham luận, trao đổi, làm rõ các kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý MSVT, CSĐG trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác thực hiện cấp, giám sát MSVT và CSĐG, tăng cường phối hợp tạo thuận lợi thông quan hàng hóa qua cửa khẩu…
Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phát biểu tại hội nghị
Cũng trong chương trình hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT đã phổ biến các phần mềm quản lý MSVT và CSĐG; chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý MSVT, CSĐG…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Thời gian gần đây, việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, CSĐG chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của các nước nhập khẩu; các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc giám sát sau khi được cấp MSVT, CSĐG;…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý MSVT, CSĐG nông sản xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị: Cục Bảo vệ thực vật cần tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu để các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho nông sản Việt Nam; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của các nước nhập khẩu; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tăng cường chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu chú trọng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, CSĐG liên quan đến lô hàng.
Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật chủ trì hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân được cấp MSVT, CSĐG xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý mã số xuất khẩu để kết nối các địa phương, các vùng trồng và CSSĐG.
Các địa phương cần nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu với các MSVT và CSĐG; tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng – CSĐG – cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật – doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực và và an toàn thực phẩm, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia…
Ý kiến ()