Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên
Biến đổi khí hậu cùng với sự suy thoái, xâm lấn, phá hoại rừng tự nhiên đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động về việc cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên.Cả nước hiện còn hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên (Ảnh: QT) Chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm Việt Nam là nước có diện tích rừng tự nhiên khá lớn trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng của cả nước hiện nay là 13.258.843 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 10.339.305 ha, rừng trồng chiếm 2.919.538 ha. Rừng tự nhiên của cả nước có tổng trữ lượng gỗ là 862 triệu m3, trong đó, có 4,3 triệu ha rừng tự nhiên sản xuất với trữ lượng 350 triệu m3 gỗ, nhưng diện tích rừng giàu, có trữ lượng gỗ cao trên 250m3/ha chỉ chiếm khoảng 5%, trong khi rừng nghèo, rừng non phục hồi và rừng hỗn giao chiếm tới 80%.Tuy diện tích rừng có tăng lên trong...
Biến đổi khí hậu cùng với sự suy thoái, xâm lấn, phá hoại rừng tự nhiên đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động về việc cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên .
Cả nước hiện còn hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên (Ảnh: QT) |
Chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm
Việt Nam là nước có diện tích rừng tự nhiên khá lớn trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng của cả nước hiện nay là 13.258.843 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 10.339.305 ha, rừng trồng chiếm 2.919.538 ha. R ừng tự nhiên của cả nước có tổng trữ lượng gỗ là 862 triệu m3, trong đó, có 4,3 triệu ha rừng tự nhiên sản xuất với trữ lượng 350 triệu m3 gỗ, nhưng diện tích rừng giàu, có trữ lượng gỗ cao trên 250m3/ha chỉ chiếm khoảng 5%, trong khi rừng nghèo, rừng non phục hồi và rừng hỗn giao chiếm tới 80%.
Tuy diện tích rừng có tăng lên trong những năm gần đây nhưng chất lượng rừng vẫn bị suy giảm, chủ yếu do việc khai thác rừng tự nhiên không đúng quy trình và khai thác bất hợp pháp. Đáng chú ý, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang xây dựng thủy điện cũng làmột trong các nguyên nhân khiến diện tích rừng bị thu hẹp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2006 đến nay, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792 ha. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 3.000 ha, rừng phòng hộ hơn 4.400 ha, rừng sản xuất hơn 12.300 ha. Trên thực tế, số diện tích đất rừng chuyển đổi sang làm thủy điện còn lớn hơn con số nêu trên do quá trình xây dựng thủy điện sẽ kèm theo nhu cầu về đất tái định cư, đất sản xuất của người dân bù vào diện tích đã bị ngập nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 8/29 tỉnh đã thực hiện việc trồng lại rừng sau chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện. Diện tích trồng đạt 735ha, bằng 3,7% diện tích đã chuyển đổi.
Cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ – phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 cuối tháng 10 vừa qua đã xem xét khả năng “đóng cửa rừng tự nhiên” như là một giải pháp thiết thực nhằm góp phần tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, chấn chỉnh vấn đề khai thác gỗ trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh công tác bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn các việc vi phạm lâm luật.
Trước thực trạng đáng báo động đối với diện tích rừng tự nhiên, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã thực hiện một loạt các chỉ đạo cần thiết nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng một Đề án riêng đưa ra những phương án phù hợp về khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2013-2020; trong đó có đề nghị tới phương án tạm không khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, hay còn gọi là “đóng cửa rừng” với hi vọng phương án mạnh mẽ này sẽ khắc phục, tiến tới triệt tiêu tình trạng lợi dụng chỉ tiêu khai thác rừng để hợp thức hoá nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng lưu ý cần tính toán những giải pháp xử lý các hệ quả, nhất là vấn đề tổ chức, nguồn thu của các công ty quản lý rừng, trách nhiệm quản lý rừng, nguồn gỗ tự nhiên hợp pháp trong nước phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống… Cùng với đó, cần tính toán các chính sách khuyến khích chế biến, sử dụng gỗ rừng trồng, công tác nghiên cứu khoa học về nuôi dưỡng, phục hồi rừng tự nhiên.
Cần có phương án quản lý rừng bền vững
Để quản lý rừng một cách bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xúc tiến giải pháp đồng quản lý rừng, nhằm phát triển tài nguyên này một cách bền vững trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, trước mắt, Bộ sẽ tổ chức thực hiện thí điểm tại một số công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ để tổng kết, rút kinh nghiệm và hoàn thiện chính sách thực thi trong cả nước.
Thông qua cơ chế chia sẻ trách nhiệm và lợi ích tạo cho cộng đồng, các cá nhân, hộ gia đình sống trong và gần rừng (chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất tự nhiên) có cơ hội tiếp cận có kiểm soát các nguồn tài nguyên được chia sẻ, nâng cao động lực của cộng đồng trong bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng, từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.
Riêng với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất Nhà nước bố trí ngân sách sự nghiệp hàng năm để tiếp tục ổn định diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ (đặc biệt là khu vực thuộc đối tượng quy định tại Nghị quyết 30a của Chính phủ) ở một số khu rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển với mức khoán bình quân 200 ngàn đồng/hécta/năm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc khai thác lâm sản theo phương án điều chế, tận thu, tận dụng lâm sản theo quy định của pháp luật. Người nhận khoán bảo vệ rừng cũng được hưởng lợi ích từ chi trả các dịch vụ của rừng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho rằng: Để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất rừng và rừng tự nhiên, cần có chủ trương và triển khai ngay việc giao cho cộng đồng sử dụng theo mô hình rừng cộng đồng và cần có những hướng dẫn rõ ràng về hưởng lợi cho cộng đồng khi tham gia trồng rừng, làm giàu thêm vốn rừng tự nhiên thuộc diện rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn đang bị xâm lấn, khai thác và chặt phá.
Theo ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá, tìm giải pháp và phương thức tiếp cận phù hợp cũng như rà soát, lập quy hoạch sử dụng, bảo vệ rừng tự nhiên có sự tham gia của cộng đồng và địa phương, gắn với chương trình phát triển nông thôn mới với tiêu chí bền vững.
Ông Trần Văn Đằng, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đề nghị: Cần đánh giá trạng thái rừng, xây dựng quy chế cộng đồng trong quản lý, sử dụng tài nguyên rừng dựa vào luật tục cộng đồng để đảm bảo hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên theo từng địa bàn.
Hình ảnh về một vụ phá rừng ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế |
Quản lý rừng bền vững và phát triển nguồn tài nguyên rừng là 1 trong 5 mục tiêu cơ bản được xác định trong Chiến lược Phát triển lâm nghiệp quốc gia đến năm 2020. Theo Chiến lược này, khoảng 30% diện tích rừng sản xuất của Việt Nam – tương đương với trên 1 triệu ha rừng sẽ đáp ứng tiêu chí quản lý rừng bền vững.
Một trong những biện pháp quan trọng hiện nay được cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia đặc biệt quan tâm, đó là lập phương pháp quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hiện nay, Việt Nam chưa ban hành được các nguyên tắc, tiêu chí, trình tự quản lý rừng bền vững. Thêm nữa, Việt Nam cũng thiếu nguồn nhân lực về quản lý, tổ chức trong quản lý rừng bền vững; thiếu kiến thức về kinh tế và kỹ thuật. Ngoài ra, chi phí của việc đánh giá để cấp chứng chỉ không nhỏ cộng với yêu cầu minh bạch tài chính… khiến cho công việc này còn nhiều trở ngại.
Quản lý rừng bền vững là mục tiêu và yêu cầu của Chính phủ Việt Nam và cũng là xu hướng quốc tế. Để quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên một cách bền vững, hiệu quả, góp phần ứng phó với biển đổi khí hậu, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết những khó khăn như đã nêu trên.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()