Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đôn đốc các địa phương trong cả nước đồng loạt thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe; tập trung trên các Quốc lộ 1, 5, 51, 20, 14, 70 và các quốc lộ trọng điểm khác đi qua các địa phương trong cả nước. Mục tiêu trước mắt sẽ là giảm dần và sang năm 2015, tình trạng xe quá tải sẽ chấm dứt.
Bộ Giao thông sẽ đồng loạt kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm. |
Thực hiện Công điện số 95/CĐ-TTg và Công điện số 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện Năm An toàn giao thông 2014 với chủ đề “siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, thời gian qua, một số đơn vị, địa phương của hai ngành Công an và Giao thông vận tải đã chủ động có Kế hoạch phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm quy định về trọng tải xe, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Tuy nhiên, tình trạng xe chở hàng quá trọng tải vẫn còn xảy ra nghiêm trọng; mới chỉ giảm ở những nơi, những lúc có hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng; một số nơi sự phối hợp giữa lực lượng của hai ngành Công an và Giao thông vận tải trong việc TTKS, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao.
Để tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện trên, ngày 01/4/2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai đồng loạt công tác kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN ngày 21/3/2014 về việc “đồng loạt công tác kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm”. Theo Chỉ thị, từ ngày 1/4, tất cả các địa phương phải đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm nhằm chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, mục tiêu trước mắt là giảm dần, tiến tới là chấm dứt tình trạng xe quá tải, quá khổ. Các địa phương sẽ tiến hành công tác kiểm tra bằng bộ cân đã được cấp, cân xách tay và các biện pháp khác. Tính đến hết tháng 2/2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bàn giao xong 63 bộ cân cho 63 địa phương trên cả nước.
Cũng từ ngày 1/4, sẽ có 08 đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Bộ GTVT, Lãnh đạo Vụ ATGT – Bộ GTVT làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác cân tải trọng xe của các địa phương. Mục đích của việc kiểm tra này là nắm bắt việc chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về công tác kiểm soát tải trọng xe phương tiện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN ngày 21/3 về việc “đồng loạt công tác kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm”. Trên cơ sở đó, các đoàn kiểm tra sẽ đánh giá tình hình kiểm tra tải trọng xe của các địa phương, báo cáo và tham mưu cho Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các bộ ngành trong công tác kiểm tra tải trọng xe phương tiện.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề nghị các Sở Giao thông vận tải ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ địa phương và An toàn giao thông cho hoạt động kiểm soát tải trọng xe; Triển khai thành lập trạm kiểm tra tải trọng xe thuộc địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương chủ động xây dựng định biên để bố trí lực lượng và kinh phí hoạt động của trạm; Phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở GTVT phê duyệt kế hoạch kiểm soát tải trọng xe; Chỉ đạo ngành Công an phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe quyết liệt, liên tục 24/24 giờ, tập trung trên trên một số quốc lộ chính đi qua địa bàn có lưu lượng xe quá tải lớn, đồng thời tổ chức tuần tra, xử lý nghiêm các xe tránh trạm, vượt trạm kiểm tra tải trọng xe; Ưu tiên biện pháp kiểm soát tải trọng xe ngăn chặn ngay từ đầu nguồn hàng (bến cảng, cửa khẩu, mỏ vật liệu, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…).
Còn các địa phương đã được cấp bộ cân lưu động phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục để đưa bộ cân vào hoạt động từ ngày 1/4; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, duy trì liên tục sự hoạt động của trạm cân, giáo dục và có biện pháp ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, kiên quyết xử lý kỷ luật và thay thế những tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực và không làm đúng chức trách nhiệm vụ được phân công… Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng xây dựng Kế hoạch tuyên truyền kiểm soát tải trọng xe năm 2014, theo chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 3016/KH-BGTVT, ngày 20/3/2014 về Kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông – 2014”.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đôn đốc các địa phương trong cả nước đồng loạt thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe; tập trung trên các Quốc lộ 1, 5, 51, 20, 14, 70 và các quốc lộ trọng điểm khác đi qua các địa phương trong cả nước. Mục tiêu trước mắt sẽ là giảm dần và sang năm 2015, tình trạng xe quá tải sẽ chấm dứt.
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, tại những nơi, những lúc có hoạt động kiểm tra tải trọng xe thì lượng xe quá tải đã giảm (75% số xe không vi phạm trong tổng số xe được kiểm tra). Cụ thể, dựa vào kết quả kiểm tra xử lý xe quá tải (tính từ ngày 01/01/2014 – 27/3/ 2014) của 16 địa phương có báo cáo số liệu là Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Lâm Đồng, Hải Dương, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Tĩnh, có 5.098 xe được kiểm tra, trong đó có 2.309 xe vi phạm quá tải trọng xe và đã bị xử lý.
Tuy nhiên, tính đến tháng 2/2014, vẫn còn nhiều địa phương vẫn chưa hoạt động được công tác kiểm tra tải trọng xe bởi các khó khăn như: biên chế, kinh phí, vị trí đặt cân và hạ tải. Không ít trạm kiểm tra tải trọng xe đã được đưa vào hoạt động lại đặt cân trên mặt đường tại những vị trí mặt đường rộng; mặt đường không đảm bảo độ phẳng và cứng nên thiết bị cân giảm độ chính xác và dễ hư hỏng; bàn cân không chịu được độ ẩm khi có mưa nhỏ dẫn đến chập, kết quả cân sai quá lớn…, điển hình như bộ cân của Thanh Hóa, Hà Nam, Quảng Bình, Phú Thọ, Hải Phòng…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()