Tăng cường công tác dự tính, dự báo: Góp phần phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả
- Việc dự tính, dự báo được thời điểm sâu bệnh phát sinh trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng đóng vai trò quan trọng nhất trong phòng trừ sâu, bệnh hại. Qua đó, giúp người dân chủ động các biện pháp phòng trừ, nâng cao năng suất cây trồng.
Người dân xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan kiểm tra đồng ruộng
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng. Do đó, các đơn vị liên quan luôn chú trọng công tác dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại, xây dựng phương án và hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng kịp thời cho người dân.
Là cơ quan chuyên môn phụ trách lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) luôn thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại để kịp thời cảnh báo, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Công tác dự tính, dự báo được chi cục tiến hành thường xuyên, liên tục, theo đó, chi cục phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) các huyện, thành phố tiến hành điều tra và căn cứ vào đó để đưa ra các thông báo định kỳ hằng tuần, hằng tháng, dự báo sinh vật gây hại và đề xuất các biện pháp phòng trừ. Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh hại trên cây trồng bùng phát, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Đơn cử, vào khoảng tháng 3/2023, thời tiết nắng, mưa thất thường là điều kiện cho bệnh thán thư, sâu non của bọ ánh kim trên cây hồi phát triển gây hại. Nhận định tình hình đó, để phòng bệnh và hạn chế bệnh không bùng phát thành dịch, Chi cục TT&BVTV tỉnh chỉ đạo cán bộ tăng cường đi cơ sở điều tra sâu bệnh, nắm bắt diễn biến thời tiết để dự tính, dự báo và phối hợp với TTDVNN các huyện, thành phố hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời. Nhờ đó, sinh vật hại trên cây hồi được phòng trừ kịp thời, không lây lan ra diện rộng. Năm 2023, sản lượng hồi đạt trên 15.600 tấn, tăng 8,17% so với năm 2022.
Ông Nông Hồng Bộ, Giám đốc TTDVNN huyện Văn Lãng cho biết: Trước đây, công tác giao ban của trung tâm được thực hiện nội bộ, tuy nhiên hiện nay, chúng tôi tổ chức giao ban mở rộng, mời thêm khuyến nông viên các xã, thị trấn tham dự nhằm triển khai công tác khuyến nông trong tháng, nắm bắt tình hình thời tiết, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng để chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo khuyến nông viên tăng cường phối hợp với công chức địa chính nông - lâm các xã thường xuyên đi thăm đồng điều tra dự tính, dự báo để kịp thời ra thông báo đến các xã, hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Cùng với huyện Văn Lãng, TTDVNN tại các huyện, thành phố cũng chủ động, tích cực triển khai công tác dự tính, dự báo. Bên cạnh việc đi thực tế cơ sở điều tra thường xuyên, liên tục, thì hiện nay, tận dụng lợi ích của mạng xã hội, các đơn vị đã để triển khai các nhóm trên ứng dụng Zalo nhằm chia sẻ các văn bản, hình ảnh, trao đổi thông tin, cập nhật tình hình thời tiết, dự báo sâu bệnh hại hằng ngày, từ đó đưa ra các biện pháp phòng trừ kịp thời; thực hiện thắp bẫy đèn để từ đó xác định ra các loại sâu bệnh và nguy cơ gây hại trên đồng ruộng; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về quy trình chăm sóc, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.
Bà Hoàng Thị Khuyên, thôn Nà Bung, xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Mỗi vụ, gia đình tôi gieo trồng 4 sào lúa và 2 sào ngô. Để sản xuất có hiệu quả, mỗi vụ tôi đều được khuyến nông viên xã tuyên truyền về các biện pháp chăm sóc và phòng trừ nếu có sâu bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, tôi còn chủ động theo dõi tình hình thời tiết và thăm đồng thường xuyên. Nhờ đó, hạn chế được sâu bệnh gây hại, đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt, năng suất, sản lượng cây trồng ổn định.
Nhờ công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng của các đơn vị chuyên môn cùng sự chủ động của người dân, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh hại trên cây trồng bùng phát, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Năng suất, sản lượng cây trồng được nâng lên. Cụ thể, năm 2023, sản lượng lúa đạt 214.724,5 tấn (tăng 0,59% so với năm trước); sản lượng ngô đạt trên 101 nghìn tấn, tăng 5,05% so với năm trước); sản lượng cây thuốc lá đạt 5.897,87 tấn (tăng 26,71% so với năm trước); sản lượng na đạt trên 38.990 tấn (tăng 9,66% so với năm trước)...
Có thể thấy, việc tăng cường công tác dự tính, dự báo sâu bệnh hại cây trồng có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao năng suất chất lượng cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Ý kiến ()