Tăng cường công tác chăm sóc học sinh bán trú
Trường Phổ thông DTBT xã Hữu Lân (Lộc Bình) tổ chức trò chơi tập thể cho học sinh |
Thực trạng các trường phổ thông DTBT ở Lộc Bình
Năm học 2014-2015, huyện Lộc Bình có 8 trường phổ thông DTBT, trong đó có 2 trường tiểu học và 6 trường THCS với 1159 học sinh, trong đó có 550 học sinh được hưởng chế độ bán trú trong trường. Được chuyển đổi từ trường phổ thông sang loại hình phổ thông DTBT nên cơ sở vật chất (CSVC) như phòng học, các phòng công vụ đều đã được đáp ứng cơ bản. Tuy vậy, với đặc thù của loại hình chuyên biệt, khi thực hiện bán trú, các nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là chỗ ở, nơi ăn, các tiện nghi phục vụ sinh hoạt của học sinh. Trước tình hình đó, ngành GD&ĐT, các địa phương đã tập hợp nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho các nhà trường. Với sự giúp đỡ của Công an tỉnh, Huyện đoàn, Trường Phổ thông DTBT Trung học cơ sở xã Lợi Bác đã có 4 gian nhà cho học sinh bán trú, có con đường bê tông lên trường thuận lợi; 2 phòng bán trú của trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Hữu Lân có sự giúp đỡ của Tỉnh đoàn… Ngoài ra, chính đội ngũ giáo viên các nhà trường cũng tự nguyện đi về trong ngày hoặc ở ghép để nhường phòng công vụ cho học sinh bán trú như Trường Phổ thông DTBT Trung học cơ sở Hữu Lân, Mẫu Sơn, Ái Quốc… Cô Dương Thị Viết, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Trung học cơ sở Hữu Lân cho biết: trường có 200 học sinh, trong đó có 192 học sinh ở bán trú; trong bối cảnh chưa xây dựng được nhà bán trú, nhà trường động viên các thầy cô hàng ngày đi, về trên quãng đường 30 km, hoặc ghép đến 6 giáo viên/ phòng công vụ để nhường 2 dãy nhà công vụ cho học sinh.
Với số tiền 100 ngàn đồng/ học sinh để mua sắm dụng cụ văn hóa văn nghệ, TDTT và 50 ngàn đồng/ học sinh để lập tủ thuốc dùng chung, các nhà trường đã từng bước trang bị ti vi, sân cầu lông, bóng chuyền, lập tủ thuốc sơ cấp cứu học sinh… Vì vậy, khi ở bán trú, học sinh được tạo điều kiện tốt hơn trong sinh hoạt và gia đình các em hoàn toàn yên tâm.
Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc học sinh bán trú
Là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh, bước vào cuộc sống tập thể, các em học sinh bán trú có nhiều cái thiếu, mà lớn nhất là thiếu kỹ năng sống, kỹ năng tự lập và kỹ năng hoạt động tập thể. Để giúp các em hòa nhập nhanh với cuộc sống tập thể, các thày cô đã “dày công” tìm hiểu và đưa ra những phương thức quản lý, chăm sóc phù hợp. Làm việc với thầy giáo Hứa Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Trung học cơ sở xã Lợi Bác, chúng tôi được biết: để giúp các em có thêm kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, đội ngũ giáo viên đã tìm hiểu từng học sinh về hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống, thậm chí đến tính nết của từng em để có những giải pháp tư vấn, giáo dục phù hợp. Thầy cho biết: một số em đang học lớp 7, lớp 8 đã muốn nghỉ học theo anh em sang Trung Quốc làm thuê, song được sự giải thích cặn kẽ của các thầy cô giáo, các em đã yên tâm ở lại học hành. Vì vậy, từ năm đầu tiên thành lập (năm 2011) đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng; năm học 2013-2014, trường đã có 5 học sinh giỏi cấp huyện.
Một số học sinh Trường bán trú THCS Hữu Lân do nhà cách trường không xa, thường đi lại trong ngày, khi nhà trường tiến hành dạy tăng thời lượng hoặc ôn thi cuối cấp thì không đảm bảo thời gian học. Nhà trường đã động viên các em ở lại và ăn trưa tại trường để đảm bảo thời gian học buổi chiều. Vì vậy, năm học 2013-2014, trong 200 học sinh toàn trường có tới 192 em ăn ở tại trường, trong đó có 55 học sinh lớp 9.
Quản lý và nâng cao chất lượng chăm sóc học sinh bán trú, thực chất là đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tại các nhà trường, học sinh không những được học tăng thời lượng mà thời gian hoạt động ngoài giờ cũng nhiều hơn. Chỉ một ví dụ đơn giản như ngủ dậy phải gấp chăn màn gọn ghẽ, tập thể dục…, các thầy cô cũng phải “lên lớp” và “thực hành” để các em làm quen. Có thời gian, thầy cô hướng dẫn các em trồng rau xanh, trồng và chăm sóc vườn hoa cây cảnh… Trường lớp đẹp hơn, các em càng thấy gắn bó với thầy cô, bạn bè, coi trường lớp như ngôi nhà thứ hai của mình.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Hoàng Thị Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình nói rằng: tuy còn nhiều khó khăn trong công tác nâng cao chất lượng sống, chất lượng sinh hoạt và học tập của học sinh bán trú; song những gì mà các Trường phổ thông DTBT đã làm được trong 3 năm qua là rất to lớn. Các thầy cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, là cha mẹ của các em trong suốt 1 tuần, một tháng, trong năm học và cả 4-5 năm của cấp học. Các em đã cảm nhận được sự chăm lo chu đáo của thầy cô; phụ huynh học sinh cũng cảm nhận được sự quan tâm Đảng và Nhà nước qua mỗi công việc thường ngày của các thầy các cô.
Ý kiến ()