Tăng cường cơ sở vật chất - thước đo tiến độ phổ cập giáo dục mầm non
![]() |
Trường MN 10/10 thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đạt chuẩn quốc gia năm 2012 |
Ngoài ra, ngành còn xây dựng 31 phòng chức năng, 43 phòng làm việc, 40 nhà bếp và 112 công trình vệ sinh với tổng kinh phí đầu tư toàn bộ từ phòng học đến các công trình phụ trợ là trên 151 tỷ đồng. Với yêu cầu chung là xây dựng phòng học cho cấp học MN vừa đảm bảo tính cấp bách đáp ứng công tác phổ cập, vừa đảm bảo tính lâu dài theo quy hoạch chung của giáo dục, trong điều kiện nguồn kinh phí xây dựng phòng học rất thiếu thốn, ngoài nguồn vốn tập trung, các địa phương đã ưu tiên huy động các nguồn lực xây dựng phòng học cho mẫu giáo 5 tuổi. Từ năm 2011 đến nay, kinh phí các huyện, thành phố đã bỏ ra trên 15,8 tỷ đồng xây dựng 78 phòng; ngành GD&ĐT huy động trong ngành trên 2,75 tỷ đồng xây dựng 29 phòng; kinh phí xã, phường thị trấn bỏ ra trên 3,65 tỷ đồng xây dựng 22 phòng và huy động nhân dân, các tổ chức, cá nhân được 6,6 tỷ đồng xây dựng 64 phòng học.
Trong đó nổi bật là Bình Gia đã xây dựng 60 phòng học, trong đó có 30 phòng thuộc kinh phí huyện và 24 phòng huy động từ nhân dân và các tổ chức. Hiện nay tổng số phòng học cho mẫu giáo 5 tuổi của tỉnh Lạng Sơn là 800 phòng, đảm bảo đủ cho 800 lớp mẫu giáo 5 tuổi mỗi lớp 1 phòng. Tuy nhiên, toàn cấp mới có 445 phòng học cho lớp 5 tuổi đạt chuẩn theo Thông tư số 36 của Bộ GD&ĐT (chiếm tỷ lệ 55,6%), trong đó có 305 phòng của riêng MN, 143 phòng của cấp học phổ thông và còn tới 360 phòng chưa đạt chuẩn, trong đó có 97 phòng chưa đủ diện tích, 104 phòng tạm, 99 phòng nhờ nhà văn hóa thôn, 7 phòng thuê nhà dân và 56 phòng thuộc các dạng khác nhau.
Phải nói rằng với sự huy động trẻ mẫu giáo, nhất là trẻ 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,9% và chất lượng nuôi dạy ngày càng cao như hiện nay, thì tiến độ hoàn thành phòng học đạt chuẩn cho trẻ 5 tuổi là yếu tố quyết định tiến độ phổ cập. Tuy nhiên, các công trình phụ trợ, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi cho lớp mẫu giáo 5 tuổi có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nuôi dạy, nhất là đảm bảo cho công tác bán trú của học sinh. Bằng sự đầu tư của ngành GD&ĐT, ngân sách của các địa phương, đoàn thể và nhân dân, đến thời điểm hiện tại, trong 800 lớp mẫu giáo 5 tuổi của toàn tỉnh, đã có 432 lớp đủ 124 danh mục thiết bị đồ chơi tối thiểu theo Thông tư 02 của Bộ GD&ĐT (đạt tỷ lệ 54%), trong 389 bếp ăn tại trường chính và các điểm trường lẻ, đã có 59 bếp đạt chuẩn (tỷ lệ 15%); trong 678 công trình vệ sinh tại trường chính và các điểm trường, đã có 159 công trình đạt chuẩn (tỷ lệ 30,6%); có 411 điểm trường có công trình nước sạch, 476 sân chơi, trong đó có 224 sân có đồ chơi. Nhiều huyện đã đầu tư mạnh mẽ vào các công trình phụ trợ như bếp ăn, nước sạch, nhà vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng nuôi dạy các cháu như Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng. Đến hết tháng 3/2014, toàn tỉnh có 118 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỷ lệ 52,2% là sự phản ánh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) một cách toàn diện cho các lớp MN 5 tuổi trong 3 năm qua.
Nhìn chung CSVC cho GDMN vẫn là sự trăn trở và là thách thức của ngành giáo dục nói chung và công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi nói riêng. Tại hội nghị sơ kết 3 năm phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, hầu như tất cả tham luận của các huyện, thành phố đều nêu khó khăn về phòng học. Đặc biệt là sự chậm chễ trong triển khai xây dựng 10 trường MN đạt chuẩn quốc gia cho 10 xã đặc biệt khó khăn của 10 huyện và xây dựng trường MN cho các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Sự chậm chễ này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ phổ cập, mà do kế hoạch, các địa phương không dám đầu tư, gây nên sự tạm bợ, thậm chí nhếch nhác về CSVC.
Từ nay đến hết năm 2015, thời gian không còn nhiều, Ban chỉ đạo phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi của tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để tập trung xây dựng trường lớp MN, trong đó cần đặc biệt ưu tiên xây dựng phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi trong kế hoạch phổ cập năm 2014, 2015. Theo đó, nhiều huyện đã xác định được nguồn lực như Bình Gia dùng vốn 135 của các xã dành cho làm mới, tu sửa phòng học, nhà bếp, nước sạch, công trình vệ sinh cho cấp học MN với mức 500 triệu đồng/xã. Nhiều huyện xác định lồng ghép các nguồn lực như Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xã hội hóa… để tăng cường cơ sở vật chất cho GDMN, nhất là lớp mẫu giáo 5 tuổi. Song song với cố gắng của các địa phương, ngành GD&ĐT cần đẩy nhanh việc trang bị CSVC cho các lớp MN, có như vậy, công tác phổ cập mới đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Ý kiến ()