Tăng cường cơ sở vật chất cho năm học mới
LSO – Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, song với sự phối kết hợp nhiều nguồn vốn và bằng công tác xã hội hóa giáo dục, cơ sở vật chất (CSVC) của ngành GD&ĐT không ngừng được tăng cường, đảm bảo những điều kiện cần thiết cho công tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường THPT thành phố Lạng Sơn mới xây dựng hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2013-2014
Theo số liệu của ngành GD&ĐT tính đến trung tuần tháng 8/2013, toàn tỉnh có 7.448 phòng học, trong đó có 4.826 phòng kiến cố (đạt tỷ lệ 64,8%), tăng 2,1% so với năm 2012; phòng bán kiên cố chiếm 24,22% và còn 818 phòng học tạm, 896 phòng học nhờ, học mượn. Trong năm học 2012-2013 và trong dịp hè, tổng diện tích các công trình đang xây dựng, cải tạo và sửa chữa là 27.760m2 sàn; xây mới 4330 m2. Vốn bố trí đầu tư xây dựng đạt 113,321 tỷ đồng. Đáng chú ý là đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trường THPT thành phố Lạng Sơn, tạo diều kiện cho Trường THPT chuyên Chu Văn An di chuyển. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tổng hợp hợp tác quốc tế để phát triển CSVC cho giáo dục như chương trình SEQAP, dự án VNEN đã bổ sung đáng kể CSVC cho các nhà trường được thụ hưởng dự án. Công tác xã hội hóa giáo dục đang đi vào chiều sâu, trong năm học vừa qua, tổng kinh phí huy động từ nhân dân và các tổ chức đoàn thể được trên 47 tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động. Đây là nguồn lực quan trọng giúp cho các nhà trường tăng cường CSVC và các điều kiện đảm bảo cho công tác nuôi dưỡng và dạy học. Điển hình như huyện Bình Gia đã huy động sự đóng góp trong và ngoài ngành xây dựng được 47 phòng bán trú cho học sinh; đồng thời trích từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên đầu tư cho 6 trường phổ thông dân tộc bán trú với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng.
Bên cạnh vốn đầu tư được huy động tập trung để giải quyết dứt điểm các hạng mục còn dang dở và đưa vào sử dụng được ngay, cơ sở vật chất của ngành còn được tăng cường qua 5 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Phong trào thể hiện rõ nét nhất ở những công trình phụ trợ như nước sạch, nhà vệ sinh, các phòng chức năng… Hiện nay toàn ngành đã có 1.212 nhà vệ sinh cho giáo viên, và học sinh; 676 trường có hàng rào, trong đó có 328 trường có hàng rào kiên cố; 560 trường có công trình nước sạch đạt tiêu chuẩn, 153 trường có thư viện đạt chuẩn, 189 trường có phòng y tế; 640 trường có sân chơi bóng mát. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các nhà trường đã mua sắm, huy động sự đóng góp của giáo viên, học sinh, tiếp nhận quà tặng của các tổ chức cá nhân và đã có tổng số gần 38.300 bồn hoa, chậu hoa, cây cảnh trang trí cho các nhà trường. Bên cạnh việc tăng cường CSVC phòng học và các công trình phụ trợ, thiết bị phục vụ cho dạy và học đã được ngành quan tâm đầu tư bổ sung. Năm 2012, dự án hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã cung ứng 208 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 27 bộ đồ chơi ngoài trời và 35 bộ thiết bị phần mềm trò chơi, làm quen với máy tính. Cùng với đó, các dự án như: dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ đã trang bị thiết bị dạy học cho 9 trường THPT. Ngoài ra, các dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn; hỗ trợ vật chất trường chuyên, trường sư phạm đã góp phần hỗ trợ nhiều thiết bị cho các nhà trường. Dự án tăng cường CSVC, thiết bị cho trường phổ thông DTNT đã hỗ trợ thiết bị cho 5 trường với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng; hỗ trợ 7 trường phổ thông vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn với tổng kinh phí 19,42 tỷ đồng. Trong năm học vừa qua, cấp học mầm non được trang bị thêm 430 bộ thiết bị dạy học, 72 bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời. Cấp tiểu học có 23 trường được trang bị thiết bị dạy học ngoại ngữ và 18 trường được trang bị phòng vi tính. Có 40 trường cấp THCC được bổ sung thiết bị dạy học môn vật lý, hóa học. Cấp THPT được trang bị 9 phòng học ngoại ngữ và mỗi đơn vị 1 bảng tương tác điện tử.
Mặc dù đã được đầu tư CSVC nhưng CSVC của ngành GD&ĐT vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Theo rà soát các danh mục cần đầu tư xây dựng giai đoạn 2013-2015 của toàn ngành hiện nay toàn tỉnh vẫn còn thiếu 3.283 phòng học, 1.180 phòng học bộ môn, 1.110 phòng hiệu bộ, 183 phòng đa năng, 370 phòng thư viện, 370 phòng y tế, 1.279 phòng công vụ cho giáo viên…với tổng kinh phí đầu tư lên đến 3.183 tỷ đồng. Những con số đó muốn thực hiện được cần có thời gian song trước mắt ngành đang đứng trước khó khăn về điều kiện ăn, ở của các trường phổ thông dân tộc bán trú, nhất là các trường mới thành lập tại các huyện như Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng…Những cái khó ấy cần sớm được ngành tháo gỡ để cán bộ, giáo viên, học sinh tại các trường mới đó sớm vượt qua khó khăn khi năm học mới đang đến gần.

Ý kiến ()