Tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất lúa
Trong những năm qua, các địa phương ở phía bắc đã đẩy mạnh việc cơ giới hóa sản xuất lúa từng bước giúp nhân dân thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu áp dụng ở các khâu làm đất, thu hoạch…; việc áp dụng đồng bộ trong gieo cấy vẫn ở mức thấp.
Hơn sáu năm qua, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, bước đầu đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất lúa. Qua thống kê, mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa ở các khâu tại miền bắc đang đạt kết quả tốt như: khâu làm đất đạt 95%, riêng vùng đồng bằng sông Hồng đạt 100%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt hơn 75%; khâu thu hoạch đạt 70%, tuốt đập đạt 100%. Hiện nay, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần giảm tổn thất trong sản xuất lúa sau thu hoạch còn 8% đến 10%. Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, qua việc triển khai thực hiện các mô hình máy cấy tại vùng đồng bằng sông Hồng cho thấy năng suất lao động (khâu gieo cấy) tăng từ 5 đến 7 lần; lượng giống sử dụng trong cấy bằng máy khoảng 35 kg/ha, giảm từ 30% đến 40% so với cấy tay. Hơn nữa, việc sử dụng máy cấy giúp ruộng thông thoáng, lúa sinh trưởng phát triển tốt, cây cứng, ít bị đổ ngã, dễ kiểm soát cỏ dại và sâu bệnh, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thuận tiện cho thu hoạch bằng máy. Sử dụng máy cấy giúp giảm bình quân chi phí đầu vào khoảng 2 triệu đến 3 triệu đồng/ha; năng suất lúa cao hơn từ 500 đến 800 kg/ha, tăng thu nhập khoảng 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/ha.
Qua thống kê, diện tích sản xuất lúa hai vụ/năm ở miền bắc là hơn 2,3 triệu héc-ta, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 1 triệu héc-ta. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện nay mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng ở một số khâu đạt hiệu quả cao nhưng chưa toàn diện; hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô gia đình và ruộng nhỏ lẻ (công suất máy dưới 20 mã lực chiếm gần 60%). Ngoài ra, cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng (mới đạt khoảng 33% nhu cầu) cho nên phải nhập từ nước ngoài là chính. Đáng chú ý là việc quy hoạch kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp chưa bảo đảm cho nhu cầu phát triển cơ giới hóa, hiện đại hóa; đường giao thông liên vùng, liên xã, quy mô đồng ruộng phân tán, manh mún; một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến cơ giới hóa trong sản xuất; ở các tỉnh miền núi do ruộng đồng manh mún, không tập trung cho nên khó áp dụng cơ giới hóa; chi phí đầu tư cho làm mạ khay lớn cho nên ít hộ dân có đủ năng lực đầu tư; khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ cơ giới hóa hạn chế…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân cho biết, hết năm 2019 toàn tỉnh có 8.440 máy làm đất, 1.113 máy gặt đập liên hợp, 85 máy cấy cỡ lớn… Đến nay, việc cơ giới hóa khâu làm đất phục vụ gieo cấy trên địa bàn đạt 98%, tưới tiêu nước chủ động đạt 99,8%, khâu thu hoạch đạt 90%. Tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích lúa cấy bằng máy đạt hơn 22 nghìn héc-ta, chiếm 20,25% tổng diện tích. Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên, huyện Bình Giang (Hải Dương) Hoàng Hữu Bắc cho biết, vụ xuân 2017, hợp tác xã phối hợp một số doanh nghiệp cấy thử nghiệm 1,5 ha mạ khay cấy bằng máy. Qua thử nghiệm, mô hình cho kết quả tốt khi bông to đều, tỷ lệ hạt chắc cao, ít nhiễm sâu bệnh, giảm chi phí, tăng thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/ha. Từ kết quả này, sang vụ mùa 2017, nhiều hộ nông dân hưởng ứng áp dụng đưa diện tích cấy bằng máy mở rộng lên 30 ha. Đến năm 2019, xã Long Xuyên đã ứng dụng cấy bằng máy khoảng 250 ha lúa. Theo tính toán với diện tích 250 ha này một năm làm tăng thu nhập cho nông dân từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ đồng, ngoài ra còn khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng do thiếu lao động; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, thời gian qua, cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở phía bắc đã đạt những thành tựu đáng kể. Tuy vậy, mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa chưa toàn diện, do đó, các địa phương cần đẩy mạnh cơ giới hóa giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới đồng bộ ở nông thôn, đặc biệt quan tâm đến dịch vụ mạ khay, cấy bằng máy để nâng cao hiệu suất sử dụng máy và áp dụng cơ giới hóa. Qua đó tạo điều kiện mở rộng các chuỗi liên kết, thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa, gắn với xây dựng nông thôn mới. Còn theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, để đẩy nhanh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng ruộng, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, tưới nước tiết kiệm bảo đảm thực hiện cơ giới hóa; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học – công nghệ mới vào chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay tại các tỉnh phía bắc có khoảng 1.154 máy cấy các loại, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng có 768 máy, chiếm 66,5% số lượng máy toàn vùng. Bình quân diện tích được gieo cấy bằng máy (2 vụ/năm) khoảng 57.000 ha, chiếm 2,4% diện tích toàn miền. Trong đó vùng đồng bằng sông Hồng có 38.000 ha được cấy bằng máy, chiếm 3,8% diện tích sản xuất lúa.
Ý kiến ()