Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thông qua thương mại điện tử
(LSO) – Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, nhất là hoạt động mua bán trực tuyến thông qua mạng xã hội ngày càng phổ biến. Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389), năm 2020, trên địa bàn tỉnh, tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc thông qua hoạt động thương mại điện tử diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm.
Trước tình hình đó, thời gian qua, các lực lượng chức năng, trong đó, chủ công là lực lượng công an, quản lý thị trường đã tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả thông qua hoạt động thương mại điện tử. Chỉ tính riêng tháng 12/2020, các lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 8 vụ vi phạm về kinh doanh qua hoạt động thương mại điện tử.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh trực truyến tại số nhà 52, khu 2, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập. (ảnh cơ quan chức năng cung cấp)
Gần đây nhất, ngày 21/12/2020, lực lượng công an đã kiểm tra và phát hiện tại số nhà 52, khu 2, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập, bà Nguyễn Thị Hiền đang thực hiện quảng cáo, kinh doanh trực tuyến qua mạng xã hội. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 43 bao hàng gồm quần áo, giầy các loại. Qua kiểm tra và khai báo của chủ cơ sở thì toàn bộ hàng hóa đều là hàng nhập lậu.
Cũng trong tháng 12/2020, Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Lạng Sơn) đã phát hiện, xử lý 2 cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng giả nhãn hiệu (quần áo, giầy, ví, thắt lưng da) trực tuyến. Trị giá hàng hóa vi phạm mà đội thu giữ là gần 40 triệu đồng.
Ông Lê Trung Nghĩa, quyền Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Qua công tác nghiệp vụ, đơn vị đã phát hiện một số tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trực tuyến qua mạng xã hội có hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả. Qua 2 vụ việc trong tháng 12/2020 mà đội phát hiện, xử lý, thì các đối tượng này khi thực hiện live stream (truyền phát trực tiếp) đều cung cấp thông tin sai lệch về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa để lừa dối người tiêu dùng (hàng hóa quảng cáo đều là hàng giả mạo nhãn hiệu).
Ngoài những vụ vi phạm đã phát hiện trên, từ tháng 7/2020 đến hết tháng 12/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 90 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Đây là năm mà số vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này bị lực lượng chức năng phát hiện cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Thanh tra Sở Công thương kiểm tra hàng hoá tại bày bán tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Đại tá Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Hoạt động thương mại điện tử có những đặc thù khác với hoạt động kinh doanh thông thường, do vậy, việc phát hiện những vi phạm rất khó khăn. Ví dụ như vụ vi phạm ở thị trấn Đình Lập, để phát hiện được vi phạm của cơ sở này, lực lượng công an phải tổ chức trinh sát một thời gian dài, sau khi nắm chắc những vi phạm mới tổ chức kiểm tra công khai.
Để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm về kinh doanh hàng hóa thông qua thương mại điện tử, thời gian tới, Công an tỉnh đã có kế hoạch phối hợp với lực lượng QLTT tiếp tục tiến hành rà soát, phân loại doanh sách các trang web ứng dụng thương mại điện tử, những địa chỉ mạng xã hội của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trực tuyến, từ đó, xây dựng phương án điều tra, ngăn chặn kịp thời hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả thông qua thương mại điện tử.
“Để xử lý và nhanh chóng phát hiện tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã yêu cầu các lực lượng nòng cốt như QLTT và Công an tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, đồng thời, tập huấn, cập nhật kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống vi phạm về kinh doanh thông qua hoạt động thương mại điện tử”. Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT – Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh |
Ý kiến ()