Tăng cường các quan hệ song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro, Tổng thống Peru Pedro Paplo Kuczynsky, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cuba từ ngày 15-17/11 và tham dự Tuần lễ cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu ÁThái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Lima, Peru từ ngày 17-20/11.
Tiếp tục tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960), trong những năm vừa qua, quan hệ anh em đặc biệt Việt Nam-Cuba tiếp tục được củng cố và phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Quan hệ Việt Nam-Cuba được xây dựng và vun đắp từ tình cảm đoàn kết, hữu nghị và ủng hộ lẫn nhau giữa những người anh em, được thử thách qua những thời điểm khó khăn và nhiều thăng trầm của lịch sử, trở thành tài sản vô giá và nguồn cổ vũ lớn lao cho sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước.
Cuba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, xây dựng đất nước của Việt Nam; quan tâm thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam trên các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, thể dục-thể thao.
Phát huy truyền thống đặc biệt đó, Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam-Cuba đã nỗ lực làm sâu sắc mối quan hệ song phương, thể hiện qua các kết quả đạt được trong các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên của lãnh đạo cấp cao và các cấp của hai nước. Hai bên tiến hành thường xuyên và hiệu quả các cơ chế hợp tác Ủy ban liên Chính phủ, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Đối thoại về an ninh-quốc phòng.
Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, trao đổi thương mại gần đây ở mức trên dưới 200 triệu USD/năm và chủ yếu Việt Nam xuất siêu. Việt Nam xuất khẩu sang Cuba chủ yếu gồm lúa, gạo, hàng tiêu dùng và nhập khẩu từ Cuba sản phẩm sinh học, thuốc chữa bệnh…
Đặc biệt, hai bên có những kết quả khả quan trong các dự án sản xuất lúa, gạo, đỗ, nuôi trồng thủy sản, sản xuất chế phẩm sinh học, văn hóa, thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo đại học và sau đại học.
Về nông nghiệp, dự án hợp tác hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa, gạo giai đoạn 2011-2015 đạt kết quả tích cực. Các dự án hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất ngô, đậu tương và nuôi trồng thủy sản đã kết thúc giai đoạn 1 và hiện đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Hai bên tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án nông nghiệp-thủy sản khác trong thời gian tới.
Về đầu tư, trong bối cảnh tình hình mới, Cuba, các doanh nghiệp Việt Nam đang thúc đẩy các dự án đầu tư tại Cuba về xây dựng hạ tầng du lịch, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng. Về ngoại giao đa phương, hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc.
Việt Nam và Cuba cũng thúc đẩy khả năng hợp tác giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Công ty Viễn thông Nhà nước Cuba ETECSA trong lĩnh vực viễn thông. Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, giáo dục-đào tạo, văn hóa, y dược, khoa học-kỹ thuật giữa hai nước cũng được quan tâm tăng cường.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác nhằm đưa quan hệ kinh tế thương mại tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tìm hiểu các cơ hội kinh doanh và phát triển các dự án đầu tư tại Cuba.
Về phía Cuba cũng chủ động đề xuất doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như sản xuất lương thực, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp, du lịch, công nghệ sinh học và các lĩnh vực ưu tiên phát triển tại Đặc khu Kinh tế Mariel.
Chuyến thăm Cuba lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện Việt Nam coi trọng và quyết tâm tiếp tục tăng cường mối quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Trong dịp này, Lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi, thống nhất phương hướng và các biện pháp tăng cường quan hệ song phương trong giai đoạn phát triển mới ở mỗi nước.
Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương
Kể từ khi thành lập năm 1989, qua 27 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Với 21 thành viên, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới (chín thành viên Nhóm G20 và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động), đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.
Tuần lễ cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần này, đẩy mạnh nỗ lực hoàn tất Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các định hướng hợp tác được thông qua năm 2014-2015 cũng như hướng tới hình thành Hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương; nhất trí bốn ưu tiên chính trong năm 2016 (liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; thị trường lương thực khu vực; quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển nguồn nhân lực).
Các hoạt động chính trong Tuần lễ cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp; Đối thoại cấp cao không chính thức với Liên minh Thái Bình Dương và Đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó, để hoàn tất công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 và Hội nghị tổng kết của các Quan chức cao cấp, Cuộc họp Hội đồng tư vấn kinh doanh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương diễn ra từ 14-18/11.
Việt Nam gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào năm 1998, là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong 18 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Nổi bật là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2006 với thành công của Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 đề ra triển vọng dài hạn về hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, thông qua Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách để nâng cao hiệu quả hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2014, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực tại Hà Nội.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, chủ trì đề xuất và triển khai hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối phó tình trạng khẩn cấp, y tế, an ninh lương thực, chống khủng bố… Việt Nam cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế hợp tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương với phương châm chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương, khẳng định vị thế chủ nhà Năm Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017, đóng góp tích cực vào các quan tâm chung của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, góp phần thúc đẩy những vấn đề Việt Nam và ASEAN quan tâm như (tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nhân lực, du lịch, ứng phó thiên tai, nguồn nước), làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác chủ chốt, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tăng cường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()