Tăng cường các giải pháp tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã
Đại diện hợp tác xã trình bày một số khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng
– Sáng 12/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh tổ chức hội nghị tăng cường các giải pháp tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Đoàn Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Trong năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; chủ động làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm hiểu nhu cầu vay vốn; hướng dẫn, tư vấn khách hàng xây dựng dự án, phương án sử dụng vốn vay phù hợp với năng lực và tình hình sản xuất kinh doanh để xem xét cho vay…
Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 36.521 tỷ đồng, tăng 9,2% so với 31/12/2021; dư nợ tín dụng ước đạt 39.537 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 31/12/2021. Dư nợ cho vay doanh nghiệp của các ngân hàng trên địa bàn đạt 13.041 tỷ đồng (chiếm 32,9% dư nợ toàn địa bàn), tăng 3,8% so với 31/12/2021. Dư nợ cho vay hợp tác xã đạt 80,4 tỷ đồng (chiếm 0,2% dư nợ toàn địa bàn).
Dư nợ cho vay theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019, Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08 về Chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025 đạt 374,3 tỷ đồng, chiếm 0,95% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, việc tiếp cận vốn của tổ chức, cá nhân trên địa bàn gặp khó khăn, ngân hàng chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng. Kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08 tại một số địa bàn còn thấp, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận chính sách còn hạn chế.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã nêu một số khó khăn, vướng mắc như: tài sản thế chấp để vay vốn; quy trình, thủ tục trong hoạt động cho vay; hạn mức tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn; khó khăn trong tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08… Đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Đồng chí Đoàn Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối năm 2023 đảm bảo an toàn, hiệu quả; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiến nghị với NHNN Việt Nam để báo cáo Chính phủ có giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận được với chính sách tín dụng ưu đãi; có các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường thanh tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng…
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn tại các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đến NHNN Chi nhánh tỉnh.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp cũng như cập nhật thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của Chính phủ, của tỉnh.
Ý kiến ()