Tăng cường các giải pháp phát triển ngành lâm nghiệp
Qua 5 năm triển khai Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng từ 2011-2015, ngành lâm nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra vẫn chưa đạt so với kế hoạch. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (Ảnh: BT) |
Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật qua thời gian thực hiện Kế hoạch 5 năm Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2015?
T hứ trưởng Hà Công Tuấn: Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng, ngành lâm nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, năm sau cao hơn năm trước; giá trị lâm nghiệp tăng lên đạt ngưỡng xấp xỉ 6%/năm; riêng sản lượng gỗ rừng trồng tăng khoảng 2,5 lần, tăng trưởng về giá trị xuất khẩu 1,65 lần. Những mô hình thu nhập có hiệu quả cao theo phương thức liên kết chuỗi đã bước đầu hình thành và đưa đến thu nhập cao hơn.
Tuy vậy, 5 năm qua, chỉ tiêu về độ che phủ rừng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, đến năm 2015, khả năng chỉ đạt 40,73%, trong khi mục tiêu đề ra từ 42-43%. Nguyên nhân chủ yếu do giảm sút diện tích rừng, đặc biệt ở Tây Nguyên. Tới đây, từ cân đối khả năng về quỹ đất, chúng tôi cũng xem xét đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu này trong giai đoạn 5 năm tới. Từ nay đến năm 2020, chúng ta cố gắng tăng diện tích rừng theo hướng đảm bảo chất lượng, hiệu quả với chất lượng rừng ở tỷ lệ 42% vào năm 2020. Như vậy, nếu chúng ta có chất lượng rừng 42% tốt, chúng ta điều chỉnh đảm bảo được mục tiêu cho phòng hộ và phát triển bền vững, tập trung cho phát triển những khu vực rừng đầu nguồn và rừng đặc dụng.
PV: Hiện nay, tỷ lệ trồng rừng thay thế mới chỉ đạt 32%, xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng này?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn:Trồng rừng thay thế của khối khu vực chuyển sang làm thủy điện đạt mức cao với tỷ lệ gần 50%, tuy nhiên khu vực chuyển đổi diện tích rừng sang xây dựng công trình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh đạt tỷ lệ thấp, chỉ đạt trên 26%. Nguyên nhân do hai lý do chính. Thứ nhất, việc quan tâm chỉ đạo của chính quyền ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, nếu chính quyền ở địa phương chỉ đạo sát sao, các chủ dự án thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật thì tỷ lệ trồng rừng thay thế đạt cao hơn. Thứ hai, liên quan đến vấn đề về vốn và đất đai vẫn còn nhiều khó khăn. Riêng về đất đai, không phải địa phương nào cũng bố trí được quỹ đất cho trồng rừng thay thế nên mức độ đạt kế hoạch của năm 2015 chưa cao.
Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm và có cơ sở khẳng định, năm 2016, cơ bản chúng ta hoàn thành được nhiệm vụ trồng rừng thay thế thông qua các giải pháp về hành chính và kinh tế.
Tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng
của ngành lâm nghiệp trong thời gian tới (Ảnh: BT)
PV: Thứ trưởng có thể cho biết về những giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao chất lượng rừng?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Thời gian tới, chúng tôi tập trung vào thực hiện một số chương trình chính, thực hiện các giải pháp về tăng năng suất giá trị rừng trồng và rừng sản xuất. Trong đó, chú trọng đến thực hiện các giải pháp về giống, những cơ chế chính sách hỗ trợ cho chủ rừng, chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, tập trung giải pháp về khuyến khích đầu tư cho chế biến, nhất là chế biến sản phẩm đồ gỗ. Thêm vào đó, thực hiện các giải pháp về liên kết theo chuỗi, mở rộng những mô hình mà chúng ta đang làm có hiệu quả như ở QuảngTrị, Tuyên Quang, Quảng Ninh.
Về thị trường, chúng ta đẩy mạnh việc mở rộng và duy trì những thị trường đã có với hơn 100 thị trường các nước và vùng lãnh thổ. Nhằm tạo động lực cho phát triển, hướng vào sản xuất nội địa và tiêu thụ nội địa, chúng ta đi từ giải pháp sản xuất đến thị trường và xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ trong nước. Gắn với đó là triển khai áp dụng khoa học công nghệ và đầu tư cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Để giúp cho ngành công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi đang quy hoạch và triển khai ở hai khu vực gồm phía Bắc và phía Nam mô hình sản xuất công nghệ cao gắn với chuỗi cung ứng nhằm vừa giới thiệu sản phẩm vừa phát triển công nghiệp hỗ trợ.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()