Tăng cường các công trình phụ trợ cho các nhà trường
![]() |
Giờ đọc sách trong góc thư viện thân thiện Trường THCS Kai Kinh (Hữu Lũng) |
Đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Bước vào năm học 2014-2015, tuy ngành GD-ĐT vẫn đứng trước nhiều khó khăn do nguồn vốn xây dựng bị cắt giảm, song do đầu tư tập trung, dứt điểm từng hạng mục công trình, nên so với năm học trước, số phòng học 2 ca giảm nhanh, từ 542 phòng xuống còn 346 phòng. Cùng với xây dựng mới phòng học, các phòng chức năng được tăng cường. Đến nay, toàn ngành đã có 180 trường có phòng thư viện đạt chuẩn (tăng 27 phòng) và 245 phòng y tế trường học (tăng 56 phòng). Các công trình phụ trợ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn vốn chương trình 135, vốn xây dựng nông thôn mới, nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, nguồn của công đoàn ngành và nguồn đóng góp của dân… nên đến nay tình trạng không hàng rào, không nhà vệ sinh, không nguồn nước sạch hầu như đã chấm dứt. Trong năm học 2013-2014 và dịp hè, toàn ngành đã xây thêm 1.081 nhà vệ sinh, đưa tổng số lên 2.293 nhà vệ sinh, trong đó có 848 nhà vệ sinh cho giáo viên và 1.445 nhà vệ sinh cho học sinh, đã có 756 trường, điểm trường có nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng hàng rào được sự đóng góp của người dân và bằng các vật liệu khác nhau, nên hiện nay đã có 448 trường, điểm trường có hàng rào kiên cố; 429 trường, điểm trường có hàng rào bán kiên cố. Tỷ lệ trường, điểm trường không hàng rào đã được rút xuống, từ 13,2% năm 2013 xuống còn 6,26% năm 2014. Toàn ngành đã có 798 cổng trường và 815 biển trường đúng điều lệ.
Việc xây dựng các phòng chức năng và công trình phụ trợ đã giúp cho các nhà trường có điều kiện xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn. Bước vào năm học mới 2014-2015, toàn tỉnh đã có 813 trường, điểm trường có sân chơi, cây xanh, bóng mát, tổng số bồn hoa cây cảnh ở các nhà trường đã lên tới 47.289 bồn, chậu. Công tác xây dựng các công trình phụ trợ không chỉ được thực hiện tốt ở khu vực thuận lợi, mà ngay tại các trường, điểm trường vùng khó khăn cũng được thực hiện nghiêm túc. Với nỗ lực rất cao, huyện Lộc Bình đã “xóa” tình trạng “trắng” biển trường, cổng trường ở tất cả 90 trường với 110 điểm trường; tất cả 63/63 trường tiểu học và THCS đã có thư viện thân thiện. Đồng chí Hoàng Thị Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện nói rằng, đây chính là “điểm nhấn” trong thực hiện phong trào ở Lộc Bình.
Cần quan tâm hơn đến loại hình bán trú
Chuẩn bị cho năm học mới 2014, ngành GD&ĐT huyện Bình Gia đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ các nhà trường xây dựng các công trình phụ trợ, mua sắm trang thiết bị với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng. Đối với 32 trường phổ thông Dân tộc bán trú, ngành chỉ đạo tận dụng cơ sở vật chất để nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần cũng như trong giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Kim Thoa, Phó phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: không vì khó khăn do mới chuyển đổi và thành lập loại hình phổ thông Dân tộc bán trú mà sao nhãng nội dung xây dựng trường, lớp xanh, sạch đẹp, an toàn; mà ngược lại, chính việc tập trung học sinh ăn ở, sinh hoạt bán trú càng tạo điều kiện cho các nhà trường thực hiện nội dung này. Vì vậy, trong năm học 2013-2014, trong 62 đơn vị trường trên địa bàn, tỷ lệ có sân chơi, cây xanh bóng mát đã đạt 89%, tỷ lệ trường, điểm trường có hàng rào, cổng trường, biển trường đạt 96%; tổng số bồn hoa, chậu hoa đã là 3.660 bồn, chậu.
Hiện nay ngành GD&ĐT có 85 trường phổ thông Dân tộc bán trú với trên 10 ngàn học sinh, có 201 trường mầm non bán trú với trên 15 ngàn học sinh. Do mới có sự chuyển đổi, thành lập mới và chủ yếu là ở các địa bàn vùng cao, vùng khó khăn nên công tác đảm bảo an toàn cho học sinh luôn được đặt ra như một sự tiên quyết. Việc xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn trước hết là sự đảm bảo cho các cháu có nơi vui chơi, giải trí và đặc biệt là đảm bảo an toàn trong học tập vui chơi và sinh hoạt. Tuy nhiên, tại một số trường, do điều kiện địa hình đồi núi dốc, thiếu cây xanh, bóng mát và hàng rào, nên rất nguy hiểm. Điển hình như trường Phổ thông dân tộc bán trú Bác Ái I (Tràng Định), trường nằm trên đồi cao, dưới là dốc sâu. Trong giờ nghỉ trưa, các cháu học sinh mầm non, tiểu học ra đùa nghịch, trêu chọc nhau ngay trên sườn dốc đứng, rất nguy hiểm. Trường Mầm non xã Thanh Lòa (Cao Lộc) sát đường lớn, lại là điểm thường xuyên sạt lở, trong khi đó chỉ là hàng rào tạm; việc đảm bảo an toàn cho các cháu gặp nhiều khó khăn. Rất cần sự quan tâm của của ngành và các huyện để loại hình này đảm bảo các tiêu chí xanh sạch đẹp và an toàn.

Ý kiến ()