Tăng cường bình ổn giá hàng thiết yếu
LSO-Thực hiện mục tiêu đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013, Tết Nguyên đán Giáp ngọ 2014 của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu tạm ứng nguồn vốn ngân sách từ Quỹ dự trữ tài chính để tích trữ hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường.
Trong năm 2013, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản giữ ở mức ổn định, cho đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra hiện tượng cháy hàng “sốt” giá. Tuy nhiên, trong những ngày cận Tết Nguyên đán vẫn có thể xảy ra biến động về giá. Ông Lê Xuân Lô, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: qua khảo sát sơ bộ thì hiện tại, hàng hóa bán buôn và bán lẻ trên thị trường phong phú, giá cả ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhưng trong thời gian tới, nhu cầu mua sắm sẽ tăng mạnh, hiện tượng cháy hàng có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Chính vì vậy, để tạo tâm lý yên tâm và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng cũng như nhà phân phối, thì sự can thiệp của Nhà nước là rất quan trọng. Theo kế hoạch, UBND tỉnh sẽ trích ngân sách từ Quỹ dự trữ tài chính 20 tỷ đồng cho các doanh nghiệp ứng trước với lãi suất 0%, thời hạn vay từ 5 đến 6 tháng để tích trữ hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng và hàng vật tư nông nghiệp phục sản xuất.
Cán bộ Sở Công thương kiểm tra hàng hóa bình ổn tại doanh nghiệp Trần Lệnh Thương |
Qua đánh giá của Sở Công thương, đến cuối tháng 12/2013, đã có 4 doanh nghiệp được ứng vốn ngân sách để thực hiện chương trình bình ổn giá là: Doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương, Công ty TNHH một thành viên Hoa Lê Hoàng, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lạng Sơn và Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia sẽ đảm bảo thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu theo danh mục và số lượng đăng ký, với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5% đến 10%.
Ông Ngọc Trường Trinh, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương cho biết: đơn vị đã nhiều năm được Sở Công thương chọn tham gia chương trình bình ổn giá hàng hóa cuối năm. Với mạng lưới phân phối rộng lớn 551 đại lý thực hiện cung cấp hàng hóa trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp luôn nghiêm túc thực hiện chương trình theo đúng cam kết. Năm nay, doanh nghiệp được UBND tỉnh hỗ trợ 6 tỷ đồng, thực hiện bình ổn giá 6 nhóm hàng, gồm: đường, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm, cá và thịt hộp. Bên cạnh việc ổn định các mặt hàng lương thực, thực phẩm, UBND tỉnh cũng chú trọng đến mặt hàng vật tư nông nghiệp đảm bảo cung ứng đầy đủ cho bà con nông dân và hai vụ đông xuân và vụ mùa. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp 8 tỷ đồng để tích trữ, ổn định giá 50 tấn giống ngô lai, 50 tấn giống lúa các loại và 1.500 tấn phân đạm UREA.
Tết Nguyên đán đã cận kề, trong bối cảnh kinh tế “trầm” như năm 2013, việc bình ổn giá, kìm chế lạm phát để ổn định tâm lý người tiêu dùng là rất quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: thời gian qua, các chương trình bình ổn giá đều được sự thống nhất cao của các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền, được sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để việc bình ổn giá đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn cần tập trung làm tốt việc triển khai mở rộng danh mục các mặt hàng bình ổn giá, tăng thêm lượng vốn vay để công tác triển khai bình ổn giá được thực hiện rộng khắp trên các khu vực dân cư, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu.
ANH DŨNG
Ý kiến ()