Chủ nhật, 24/11/2024 02:56 [(GMT +7)]
Tăng cường bảo vệ trường lớp trong kỳ nghỉ hè
Thứ 3, 05/06/2012 | 08:24:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong công tác chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm học 2011-2012; cùng với việc tăng cường các hoạt động hè, thì nhiệm vụ bảo vệ trường lớp và cơ sở vật chất (CSVC) trong dịp hè được ngành GD đặc biệt quan tâm. Đó cũng là một phần trong công tác chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013.
Phòng học cấp 4 của trường mầm non xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc
rất dễ bị tốc mái, hỏng mái trong mùa mưa bão
Năm học 2011-2012, toàn ngành GD có gần 6700 phòng học, trong đó phòng học kiên cố chiếm 63%, bán kiên cố chiếm 19% và vẫn còn tới trên 17% phòng học tạm. Tại các nhà trường, số lượng trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi học sinh đã dần được trang bị đồng bộ với số lượng rất lớn, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, hầu hết các phòng học cấp 4 và phòng tạm đều nằm ở các xã vùng 3, vùng 2, vùng ĐBKK và phân bố tại các phân trường lẻ rải rác tại các thôn bản xa. Do đặc điểm địa hình, khí hậu, dân cư, nên đây là những nơi thường chịu nhiều tác động của thiên tai và của con người. Kỳ nghỉ hè cũng là những tháng trọng điểm trong mùa mưa bão, nên công tác bảo vệ trường lớp trong dịp hè thường gắn với công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai của các địa phương. Vì vậy, quan tâm đến công tác bảo vệ trường lớp và CSVC của các nhà trường thực chất là công tác giáo dục ý thức cho học sinh và cộng đồng nơi có trường lớp và có phương án phòng chống, khắc phục thiên tai.
Có dịp trao đổi với chúng tôi về công tác bảo vệ CSVC của ngành GD, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho rằng, tuy trường lớp học của địa phương đã ngày càng khang trang hơn, song là một huyện hay xảy ra lũ ống, lũ quét và gió lốc cục bộ, nên UBND huyện đã chỉ đạo ngành GD có phương án cụ thể để sắp xếp trang thiết bị, bảo vệ trường lớp; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ CSVC của ngành GD và lập phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng cứu, khắc phục kịp thời đối với các trường học. Theo ông Hoàng Xuân Mai, Trưởng phòng GD huyện Đình Lập, trước thời gian nghỉ hè, ngành chỉ đạo các nhà trường rà soát lại mức độ an toàn của các phòng học cũng như các công trình phụ trợ, các thiết bị, đặc biệt là thiết bị điện cũng như di chuyển các loại thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi vào những phòng học kiên cố để đảm bảo an toàn, phòng chống mất mát, hư hỏng do mưa bão hoặc cháy nổ do sự cố chập điện, sét đánh… Trong suốt thời gian hè, các nhà trường phân công cán bộ giáo viên trực trường, có sổ sách ghi chép và bàn giao giữa các ca trực đầy đủ. Là địa phương có địa hình đồi núi cao khe sâu, chịu tác động rất lớn của lũ ống, lũ quét, vì vậy các nhà trường đã chủ động phối hợp với chính quyền các xã, lực lượng tại các thôn bản có phương án cụ thể để ứng cứu.
Trên thực tế, sau 4 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song do hạn chế về nguồn lực và do tác động của Nghị quyết 11 của Chính phủ, nên nhiều trường vẫn chưa có phòng học kiên cố, hàng rào bảo vệ. Như vậy, hàng ngàn phòng học và nhà ở công vụ giáo viên, nhà nội trú, bán trú cho học sinh đứng trước nguy cơ bị hư hỏng, tổn thất do thiên nhiên và cả ý thức kém của con người. Nếu không có bảo vệ thường trực và giáo dục ý thức cho cộng đồng, thì tình trạng để gia súc vào phá cây cối, trẻ em nghịch ngợm cậy cửa lấy đi các đồ dùng thiết bị, hoặc chỉ một vài viên ngói bị xô không được sửa chữa kịp thời… cũng gây tổn thất không nhỏ mà ngành GD&ĐT phải bỏ ra một lượng tiền lớn để sửa chữa và bổ sung mỗi khi bước vào năm học mới.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()