Tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái góp phần phát triển du lịch Mẫu Sơn bền vững
LSO-Vùng núi Mẫu Sơn nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, có tổng diện tích trên 10.740 ha, trong đó có 5.380 ha đất lâm nghiệp và 1.543 ha rừng nguyên sinh. Khu vực này có lợi thế đặc biệt về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc; cộng với những sản phẩm tự nhiên nổi tiếng là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.…Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, từ năm 2002 đến nay, tỉnh ta đã tập trung đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch Mẫu Sơn. Trong hơn 10 năm khai thác, du lịch Mẫu Sơn (DLMS) đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ tỉnh nhà ngày một phát triển. Tuy nhiên để DLMS phát triển theo hướng bền vững, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cần có những biện pháp tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái.
Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành tham quan, khảo sát rừng nguyên sinh tại Khu du lịch Mẫu Sơn |
Vùng núi Mẫu Sơn được xác định là điểm du lịch lý tưởng của vùng Đông Bắc. Từ thế kỷ trước, khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã xây dựng khu vực này thành điểm du lịch nghỉ dưỡng. Với địa hình núi non hiểm trở, cả khu có trên 80 ngọn núi; độ cao trung bình trên 1000m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình mùa hè dao động từ 16 – 21 độ C, là điểm lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng. Cộng với điều kiện thiên nhiên ban tặng, tại vùng núi này có hàng chục loại cây gỗ quý hiếm, cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên các đỉnh núi cao như: sến, kháo, dẻ, đỗ quyên và đa dạng hệ thống thảm thực vật sinh học, cũng như các loài thú, côn trùng quý hiếm; cùng một số sản phẩm tự nhiên độc đáo như: mật ong, đào Mẫu Sơn, chanh rừng, ớt rừng, chè tuyết… Khu vực núi Mẫu Sơn được đánh giá là khu vực có điều kiện tự nhiên phong phú cho phát triển du lịch sinh thái.
Tháng 6/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TU, xác định phát triển khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia; với mục tiêu đề ra: Đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội; phấn đấu đến năm 2020, xây dựng du lịch khu vực Mẫu Sơn đạt các tiêu chí là điểm du lịch quốc gia, là một trung tâm du lịch của tỉnh, có mối liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch vùng Đông Bắc. Từ mục tiêu đó cho thấy, đầu tư khai thác tiềm năng DLMS cần xác định rõ mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng sinh thái Mẫu Sơn sẽ là tiền đề cho việc phát triển bền vững loại hình du lịch tham quan, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Cùng với sự phát triển nhanh của ngành du lịch, những năm gần đây, lượng khách đến tham quan tại Khu DLMS ngày một tăng. Điều đó mang lại những ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế – xã hội; nhưng bên cạnh đó cũng làm nảy sinh những tiêu cực do môi trường phải gánh chịu một lượng ô nhiễm từ sự phát triển nhanh chóng về xây dựng các công trình, rác thải, chất thải, chăn thả gia súc tự do, cùng với hiện tượng khai thác gỗ, chặt phá cây rừng, đốt nương làm rẫy… đã làm mất đi phần nào về sự cân bằng sinh thái môi trường dẫn đến xói lở đất, mưa lũ gây nên những hậu quả khôn lường. Nhằm bảo vệ hữu hiệu nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, góp phần cho phát triển du lịch bền vững, năm 2005, Luật Du lịch đã ra đời và chỉ rõ: Tài nguyên du lịch chính là cảnh quan thiên nhiên; du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá bản địa. Tài nguyên là sản phẩm vô giá phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch tổng thể về duy trì bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch gắn với bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển bền vững Khu DLMS. Định kỳ hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hoá, du lịch tại Khu DLMS; nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá kêu gọi xúc tiến đầu tư được tổ chức lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường du lịch, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến môi trường, giám sát chặt chẽ việc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhà nghỉ, điểm dịch vụ du lịch tại Khu DLMS.
Để tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn Mẫu Sơn, các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý, khoanh nuôi diện tích rừng đầu nguồn; cương quyết bảo vệ quy hoạch Khu DLMS đã được phê duyệt. Cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và khu rừng phục vụ du lịch sinh thái. Tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án trồng cây, gây rừng ở những khu đất trống, đồi núi trọc; tiến tới giao một số diện tích đất rừng, đất lâm nghiệm cho các hộ dân bản địa tham gia vào công tác quản lý bảo vệ và trồng rừng. Chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, lấy xã hội làm trung tâm trong việc chia sẻ trách nhiệm bảo vệ rừng đầu nguồn, môi trường sinh thái và hưởng lợi trong hoạt động du lịch.
Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, tầm nhìn đến năm 2030 mà tỉnh ta đã xác định Khu DLMS là một trong số 46 điểm đến trên toàn quốc hội tụ được các tiềm năng du lịch đặc sắc và các điều kiện để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Ngành du lịch tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự bảo vệ môi trường; gắn khai thác tài nguyên, thiên nhiên môi trường với phát triển du lịch. Như vậy, bảo vệ môi trường bền vững chính là khai thác hoạt động du lịch mang tính chất lâu dài.
Ý kiến ()