Tăng cường bảo đảm an toàn tại điểm giao cắt đường sắt
Các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, lối đi tự mở qua tuyến đường sắt Bắc-Nam thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Để phòng tránh tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng về xóa lối đi tự mở, xây dựng đường gom, cần nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông.
Những ngày qua, liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang qua đường sắt trên địa bàn Hà Nội. Đơn cử như vụ va chạm giữa đoàn tàu chạy trên tuyến đường sắt Bắc-Nam với xe đầu kéo tại đường ngang có lắp đặt cảnh báo tự động, rào chắn thuộc địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) vào ngày 28-1. Hậu quả làm tàu hỏa và ô tô đầu kéo bị hư hỏng. Ngày 29-1 lại xảy ra tai nạn khi tàu hỏa đâm vào ô tô con trên đoạn đường sắt đi qua huyện Thanh Trì (Hà Nội) làm barie bị gãy, xe ô tô bị biến dạng. Nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông tại những vị trí giao cắt đường bộ và đường sắt phần lớn do người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành quy định, bỏ qua cảnh báo, biển báo, thậm chí một số trường hợp dù có barie nhưng vẫn cố tình vượt qua.
Hiện trường vụ va chạm giữa tàu hỏa và xe đầu kéo tại vị trí giao cắt đường bộ-đường sắt thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: HOÀNG NHẬT |
Năm 2022, TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí so với năm 2021. Cụ thể, số vụ tai nạn là 216 vụ, tăng 73 vụ (tương đương 51%), làm chết 85 người, tăng 18,1%; bị thương 126 người, tăng 75%. Để hạn chế TNGT đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng trong việc quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; phối hợp phòng, chống ùn tắc giao thông nơi đường ngang, cầu chung. Ngành đường sắt đã xóa bỏ 292 lối đi tự mở; xây dựng 8.587m đường gom, 1 hầm chui, 5.710m hàng rào ngăn cách đường bộ-đường sắt. Bên cạnh đó, tại nhiều vị trí giao cắt đã cắm biển báo hạn chế xe cơ giới; xây dựng gờ, gồ giảm tốc; tổ chức cảnh giới tại 379 vị trí có nguy cơ cao xảy ra tai nạn; chủ động gửi lịch trình chạy tàu đến các địa phương để thông báo cho người dân.
Trong thời gian tới, ngành đường sắt tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong công tác bảo đảm an toàn giao thông để giảm dần tai nạn, giữ vững an toàn chạy tàu. Trong đó, hướng đến giảm tối đa các vụ tai nạn, sự cố chạy tàu và không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do lỗi chủ quan; kiềm chế, giảm thiểu sự cố, tai nạn do khách quan, phấn đấu trong năm 2023 giảm ít nhất 5% số vụ TNGT đường sắt so với năm 2022 về cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người bị chết, số người bị thương.
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tang-cuong-bao-dam-an-toan-tai-diem-giao-cat-duong-sat-718079
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()