Tăng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ: Chạy theo số lượng?
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố tăng 6,5% chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, ý kiến phản hồi của dư luận cho rằng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đang có dấu hiệu chạy theo số lượng. Có nhiều câu hỏi đặt ra, việc làm này có đi ngược với Nghị quyết của Quốc hội: Không tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục ĐH nếu các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường không tốt hơn năm trước.
Tiền hậu có bất nhất?
Trước khi công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới, Bộ GD&ĐT có yêu cầu các trường ĐH, học viện, CĐ báo cáo rõ tiến độ và kết quả thực hiện nội dung dự án về đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên trước ngày 1/2/2011. Mặc dù chưa có báo cáo về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của các trường nhưng Bộ vẫn tăng chỉ tiêu cho thấy rõ xu thế chạy theo số lượng trong khi đang có sự mất cân đối ở việc xác định tổng chỉ tiêu tuyển mới và cả chỉ tiêu ở từng trường, từng nhóm ngành.
Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ quyết định chỉ tiêu tuyển sinh là 514.500 chỉ tiêu tăng thêm khoảng 33.500 chỉ tiêu so với năm 2010. Chỉ tiêu này được căn cứ trên kết quả tuyển sinh năm 2010 và căn cứ trên đề xuất về chỉ tiêu tuyển sinh mới của các trường. Thống kê sơ bộ, hầu hết các trường ĐH, CĐ trừ những trường ĐH, CĐ lớn và trọng điểm đều xin tăng chỉ tiêu từ 3% – 5%. Trong khi đó, nhiều trường ĐH vừa được nâng cấp, thành lập cũng đề xuất xin tăng chỉ tiêu từ 7%-10% so với năm 2010.
Đối với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh được ưu tiên tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng diện tích phòng học, phòng thí nghiệm. Ngoài ra, chỉ tiêu tăng thêm dành đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, các ngành nghề còn thiếu ở các địa phương vùng khó khăn, vùng dân tộc….
Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc hội về về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo với giáo dục đại học đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII (tháng 6/2010) nêu rõ: “Không tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục ĐH nếu các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường không tốt hơn năm trước; giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường đã được thành lập trước năm 2010 mà chưa xây dựng cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập và sau 3 năm (kể từ năm 2010), nếu các trường này vẫn không xây dựng được cơ sở tại địa điểm đăng ký thì đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể đối với nhà trường”.
Như vậy, các trường vẫn đang trong thời hạn làm báo cáo theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội nhưng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 vẫn tăng 6,5% khiến dư luận đặt câu hỏi tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh như hiện nay liệu có hợp lý hay không?
Tăng chỉ tiêu vẫn mất cân đối trong tuyển sinh
Thống kê qua các mùa tuyển sinh, từ năm 2006 đến năm 2010, chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng liên lục tăng, năm sau cao hơn năm trước xấp xỉ 10%. Tuy nhiên, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT qua các năm không tăng, chỉ dao động trong khoảng 750 nghìn đến 850 nghìn người. Như vậy, việc tăng chỉ tiêu cho ĐH-CĐ sẽ càng làm mất cân đối giữa “thầy” và “thợ”.
Cùng với đó là sự mất cân đối trong chỉ tiêu tuyển sinh giữa các nhóm ngành dẫn chênh lệch trong cán cân ngành nghề đào tạo lẫn nguồn nhân lực cho xã hội tương lai.
Chỉ cần nhìn vào kết quả tuyển sinh năm 2010 cho thấy nhóm ngành kinh tế đã chiếm tới trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường, trong khi khối nông – lâm – ngư nghiệp và cơ khí rơi vào tình cảnh èo uột dù hạ điểm chuẩn vẫn thừa chỉ tiêu.
Tình cảnh trên cũng không khả thi hơn trong mùa tuyển sinh năm nay khi chỉ tiêu được đề xuất tăng rơi vào nhóm ngành kinh tế với dự kiến tăng 70%. Con số này đã cho thấy cán cân ngành nghề sẽ có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm ngành trong giai đoạn tới. Bởi mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho giáo dục ĐH là đến năm 2020, nhóm ngành kinh tế- luật chiếm 20% sinh viên theo học. Trong khi đó, đến 2020, nhóm ngành khoa học cơ bản phải đạt 9% lượng sinh viên đăng ký theo học nhưng hiện nay số sinh viên theo học chưa đạt tới 3%.
Dường như, sau những cải tiến khả thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng “ba chung”, chúng ta đang phải đối mặt với yêu cầu điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp với giai đoạn phát triển sắp tới.
Ý kiến ()