Tăng cả lượng và giá
LSO-Theo thống kê sơ bộ của ngành Công thương và ngành Nông nghiệp Lạng Sơn, 9 tháng đầu năm 2014, khối lượng sản phẩm hồi Lạng Sơn xuất khẩu qua một số nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… đã đạt khoảng 1.300 tấn. Ước tính hết năm, khối lượng hồi xuất khẩu có thể đạt trên 2.000 tấn, tăng khoảng 700 tấn so với năm 2013. Điều đáng chú ý ở đây là sản phẩm hồi Lạng Sơn xuất khẩu không chỉ tăng về khối lượng, mà giá xuất khẩu cũng tăng.
Người trồng hồi huyện Văn Quan giới thiệu sản phẩm hồi với khách tại hội chợ Nông nghiệp – Thương mại vùng Đông Bắc năm 2014 |
Diện tích rừng hồi toàn tỉnh hiện có khoảng 33.000 ha, trong đó hơn 10.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng hồi hàng năm của tỉnh đạt từ 6.000 đến 7.000 tấn. Phát biểu tại hội nghị liên kết thị trường sản phầm hồi Lạng Sơn diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn khẳng định: từ lâu, cây hồi được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược của tỉnh Lạng Sơn. Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã có thương hiệu riêng khi được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2007. Tuy nhiên, sau khi có thương hiệu, giá cả hồi vẫn bấp bênh do không có thị trường tiêu thụ ổn định. Trong vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ và tư vấn của ngành thương mại, ngành khoa học tỉnh, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến sơ chế để đẩy mạnh việc xuất khẩu hồi, chính vì vậy, đầu ra của sản phẩm hồi đã ổn định hơn.
Theo thống kê, năm 2011, tỉnh mới chỉ xuất khẩu được trên 500 tấn hoa hồi khô, năm 2012 lượng xuất khẩu đã tăng lên hơn 1.100 tấn, năm 2013 đạt trên 1.500 tấn và năm 2014 theo dự ước sẽ đạt khoảng 2.000 tấn. Đây là một tín hiệu vui cho bà con trồng hồi Lạng Sơn. Không chỉ tăng về khối lượng, giá hồi Lạng Sơn xuất khẩu trong năm nay cũng tăng nhiều so với năm trước. Qua biểu giá xuất của một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồi thì thấy điều này. Năm 2012, giá sản phẩm hồi khô của Lạng Sơn xuất khẩu chỉ được 20.000 đồng/kg, năm 2013 cao nhất cũng chỉ đạt 40.000 – 48.000 đồng/kg, đến năm 2014, giá xuất đã đạt con số 60.000 đồng/kg. Điều đáng bàn ở đây là, việc xuất khẩu các sản phẩm hồi Lạng Sơn không chỉ tăng dần về lượng, về giá mà các nước quan tâm, nhập khẩu hồi của Lạng Sơn cũng đã tăng. Vài năm trước, hồi chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng đến nay, sản lượng lớn hồi khô xuất khẩu chính ngạch là sang Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a…
Để có được kết quả như vậy, trước thị trường tiêu thụ “chập chờn”, giá hồi lên xuống thất thường, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Sở KH&CN xây dựng và đăng ký bảo hộ tên gọi và xuất xứ của sản phẩm hoa hồi. Sau quá trình xây dựng dự án, năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công bố Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn (nay là chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn). Việc xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã khiến rất nhiều nước trên thế giới biết đến cây hồi của Lạng Sơn.
Ngoài ra, cũng phải kể đến nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồi. Bà Mai Thúy Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông – lâm – sản Lạng Sơn cho biết: Các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên gọi điện đặt hàng, số lượng bao nhiêu họ cũng mua hết. Tuy nhiên, do sản phẩm hoa hồi của Lạng Sơn chủ yếu vẫn là sơ chế, điều này khiến sản lượng đạt tiêu chuẩn về chất lượng để xuất khẩu chưa cao. Thấy được hạn chế này, thời gian qua, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hệ thống sấy, hệ thống chưng cất và đóng lọ tinh dầu hồi để xuất khẩu. Qua hơn 8 tháng đầu năm 2014, doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 400 tấn sản phẩm hoa hồi khô, đó là chưa kể đến lượng tinh dầu hồi xuất khẩu. Theo đơn đặt hàng, đến hết năm 2014, lượng sản phẩm hồi khô xuất khẩu của công ty sẽ đạt trên 800 tấn và có khả năng đạt 1.000 tấn. Bà Hà cho biết thêm, sản lượng xuất khẩu sản phẩm hoa hồi khô của Lạng Sơn sẽ lớn hơn nếu như chất lượng hồi của bà con đảm bảo tiêu chuẩn mà các nước quy định.
Cũng giống như công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông – lâm – sản Lạng Sơn, Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Sao hồi Việt Nam hiện quan tâm và là một trong số ít doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu sản phẩm hồi của Lạng Sơn. Ông Nguyễn Quế Anh, Giám đốc công ty cho biết: hiện tại, mỗi tháng trung bình công ty xuất khẩu khoảng 60 tấn sản phẩm hồi khô. Tuy nhiên, khối lượng sản phẩm hồi Lạng Sơn do công ty xuất khẩu cũng mới chỉ chiếm khoảng 60%, số lượng còn lại công ty phải thu mua ở một số địa phương khác. Giám đốc Nguyễn Quế Anh tâm sự: “Công ty cũng muốn thu mua khối lượng lớn sản phẩm hồi của bà con trồng hồi Lạng Sơn nhưng do yêu cầu của thị trường nhập khẩu là ngoài chất lượng hồi cao thì đối tác đòi hỏi phải có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, điều này thì phần lớn bà con trồng hồi Lạng Sơn chưa có. Đây là hạn chế khiến sản lượng hồi xuất khẩu của tỉnh chưa đạt cao so với sản lượng thu hoạch được…”.
Khối lượng sản phẩm hồi Lạng Sơn xuất khẩu tăng chính là tiền đề để người trồng hồi Lạng Sơn quan tâm nhiều hơn đến cây đặc sản của tỉnh nhà. Tuy vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồi hiện tại cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn do sự “khó tính” của khách hàng. Vì vậy, để khối lượng hồi Lạng Sơn xuất khẩu tiếp tục tăng cao, các công ty cần đầu tư dây chuyền công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cùng với đó cần liên kết với các nhà khoa học, bà con nông dân để tạo ra một vùng nguyên liệu chất lượng tốt. Chỉ có như vậy, sản phẩm hồi của Lạng Sơn, một trong tốp 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam, mới có cơ hội vươn xa hơn trên con đường hội nhập quốc tế.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()