Tân Yên, miền đất thượng võ anh hùng, nghĩa khí lưu danh
Trụ sở Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên. Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 6-11-1957 theo Nghị định số 532 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).Trước thời điểm ấy, Tân Yên là phần đất phía nam của huyện Yên Thế mà sử sách và dân gian vẫn quen gọi là miền Yên Thế hạ. Theo các nguồn thư tịch cổ và khảo cứu của nhiều học giả được phản ánh trong các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa lý Việt Nam, huyện Yên Thế có từ thời Lý - Trần với tên gọi là Yên Viễn, có nghĩa là vùng đất xa xôi nhưng bình yên, thuộc Bắc Giang đạo (sau là lộ Bắc Giang). Tên huyện Yên Thế có từ thời Trần, trong sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi cho biết, Yên Thế thuộc Kinh Bắc với đặc điểm có tên nỏ tẩm thuốc độc dùng vào việc chống giặc ngoại xâm.Thời kỳ đầu Pháp thuộc, thực dân Pháp đã lập ngay đạo Yên Thế, lỵ sở đóng ở Tỉnh Đạo (Nhã Nam) để...
Trụ sở Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên. |
Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 6-11-1957 theo Nghị định số 532 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trước thời điểm ấy, Tân Yên là phần đất phía nam của huyện Yên Thế mà sử sách và dân gian vẫn quen gọi là miền Yên Thế hạ. Theo các nguồn thư tịch cổ và khảo cứu của nhiều học giả được phản ánh trong các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa lý Việt Nam, huyện Yên Thế có từ thời Lý – Trần với tên gọi là Yên Viễn, có nghĩa là vùng đất xa xôi nhưng bình yên, thuộc Bắc Giang đạo (sau là lộ Bắc Giang). Tên huyện Yên Thế có từ thời Trần, trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi cho biết, Yên Thế thuộc Kinh Bắc với đặc điểm có tên nỏ tẩm thuốc độc dùng vào việc chống giặc ngoại xâm.
Thời kỳ đầu Pháp thuộc, thực dân Pháp đã lập ngay đạo Yên Thế, lỵ sở đóng ở Tỉnh Đạo (Nhã Nam) để trực tiếp cai trị và đàn áp các cuộc đấu tranh nổi dậy của nhân dân nơi đây. Ngày 10-10-1895, Pháp chia Bắc Ninh thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, huyện Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1957, phần phía nam của huyện (tức miền Yên Thế hạ) tách ra thành lập huyện mới mang tên là Tân Yên.
Huyện Tân Yên hiện nay là vùng “địa linh – nhân kiệt”. Ngay từ những năm đầu Công nguyên, nơi đây đã có bà Dương Thị Giã (Nàng Giã đại thần) chiêu binh đứng dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống giặc phương bắc. Các thế kỷ tiếp theo, vùng đất này thu hút nhiều cơ dân, văn thần, võ tướng, sĩ phu về mở đất lập nghiệp. Lịch sử đã ghi danh 180 nhân kiệt tiêu biểu cho khí phách, cốt cách, truyền thống thượng võ, tài hoa, danh tiếng còn lưu truyền trong nhân dân.
Lịch sử Tân Yên đồng thời cũng là lịch sử đấu tranh bền bỉ, dũng cảm chống các thế lực đen tối trong xã hội và giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương và cuộc sống của mình. Với truyền thống lịch sử, những phẩm chất và tính cách được xác lập qua các thời kỳ, nhân dân vùng đất này đã đi vào cuộc khởi nghĩa Yên Thế với tinh thần quật khởi vô song và tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng, diệu kỳ.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống nghĩa khí cao đẹp của Tân Yên được nhân lên gấp bội, là huyện khởi nghĩa giành chính quyền sớm, có lực lượng vũ trang mạnh với phong trào quần chúng cách mạng sôi sục trong những ngày tiền khởi nghĩa. Tháng 9-1944, hai chi bộ Đảng đầu tiên đã được thành lập ở Yên Lý (xã Phúc Sơn) và Đồng Điều (xã Tân Trung). Để lãnh đạo phong trào quần chúng cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế, Ngô Thế Sơn… đã từng hoạt động, dẫn dắt phong trào cách mạng ở Tân Yên. Đỉnh cao là cuộc đánh chiếm giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17-7-1945, thành lập chính quyền cách mạng và đây là một trong những địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh Bắc Giang.
Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vùng tự do, chặn đứng mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của kẻ địch, động viên nhân dân hăng hái sản xuất, cung cấp đủ mọi yêu cầu về con người, vật lực cho tiền tuyến. Những người con quê hương Tân Yên tham gia, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những tấm gương sáng ngời dũng cảm như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Được (bí danh Cao Kỳ Vân)…
Thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1964), Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân xây dựng hợp tác xã với hơn 90% số hộ tham gia, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Hằng năm, Tân Yên đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nghĩa vụ lương thực, nông sản, thực phẩm đối với Nhà nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1975), Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là phải vừa giữ vững và phát huy tác dụng của phương thức sản xuất mới, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân, vừa phải cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt”, quân và dân Tân Yên đã chi viện, đạt và vượt chỉ tiêu sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền nam.
Trong hai cuộc kháng chiến, Tân Yên là nơi che chở, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học của tỉnh và Trung ương về sơ tán, trong đó có các cơ quan đầu não của tỉnh. Tân Yên cũng là chiếc nôi của phong trào được cả nước biết đến như phong trào Hội mẹ chiến sĩ, cô Tấm hậu phương, xây dựng nhà bia liệt sĩ…
Phát huy truyền thống quê hương, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân Tân Yên đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giai đoạn 2006-2010, kinh tế của huyện liên tục phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm. Giá trị sản xuất tăng bình quân 25,8%/năm, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 15,2%, công nghiệp – xây dựng tăng 50,9%, dịch vụ tăng 30,8%. Giá trị sản xuất năm 2010 ước đạt 16,9 triệu đồng/người. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng tăng nhanh (chiếm 36,1%); ngành nông, lâm nghiệp giảm dần (còn 43,9%); dịch vụ chiếm 20%. Hầu hết các mục tiêu của sáu chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng tâm giai đoạn 2006-2010 đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20 (2010-2015) với chủ đề: “Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đưa Tân Yên phát triển toàn diện”.
Với truyền thống anh hùng, cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, trải qua 55 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Tân Yên quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh và phát triển bền vững cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
ĐỖ MẠNH TIẾN
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Yên (Bắc Giang)
Những dấu ấn tự hào Trong kháng chiến chống thực dân Pháp * Đánh 126 trận, diệt 1.030 tên địch, thu 178 súng, phá hủy 3 xe cơ giới. * Huy động 8.157 lượt người, 615 xe thồ phục vụ chiến dịch. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước * 10.504 lượt thanh niên nhập ngũ, đạt 113,2% chỉ tiêu, 10,5% so dân số. * Huy động 85.067 tấn lương thực, 4.787 tấn thực phẩm. * Là quê hương của ba phong trào lớn về chính sách hậu phương quân đội: – Xây dựng Nhà bia liệt sĩ – Hội mẹ chiến sĩ – Trần Quốc Toản, cô Tấm hậu phương. |
Các phần thưởng cao quý * 9 Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba. * 1 Huân chương Quân công hạng nhất. * 28 Huân chương Kháng chiến. * 19 Huân chương Chiến công. * Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng Lẵng hoa. * 32 Cờ thưởng các loại. *129 Bằng khen của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. * Huyện và năm xã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. * 46 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. H 6 Anh hùng LLVT, 1 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. * 2.721 liệt sĩ. * 2.087 thương bệnh binh. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()