Tân Việt: Mơ một cây cầu
(LSO) – Dựng cầu, lũ cuốn. Lũ cuốn, lại dựng cầu. Như một “vòng tuần hoàn”, hàng chục năm qua, người dân xã Tân Việt, huyện Văn Lãng vẫn kiên trì dựng lại cây cầu tạm sau mỗi mùa lũ để nối “hai nửa” của xã bị chia cắt bởi dòng sông Kỳ Cùng.
Nửa thế kỷ kiên trì dựng cầu
“Chẳng rõ từ bao giờ, chỉ biết từ khi tôi còn bé chừng 10 tuổi, tôi đã thấy cha mẹ mình cùng hàng xóm đi dựng cầu. Cầu thời ấy cũng được dựng ở vị trí này bằng dây rừng và cọc tre, cây củi, cầu nối giữa hai thôn Nà Cạn, Nà Lẹng. Cứ thế đều đặn mỗi năm cho đến tận bây giờ, năm lũ ít thì chỉ phải dựng lại cầu một lần, còn những năm nước lũ về nhiều đợt thì dựng lại cầu từ 2 đến 3 lần” ông Nông Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Việt chia sẻ.
Do vị trí địa lý, xã Tân Việt bị dòng sông Kỳ Cùng chia cắt, nếu muốn đi sang bên kia sông, người dân phải đi đường vòng cách chừng 40 km, rất bất tiện. Bởi vậy, hằng năm, cầu thường được người dân “khởi công” dựng từ tháng 11 năm trước và có “hạn sử dụng” đến tháng 3, tháng 4 năm kế tiếp. Những tháng khác trong năm vào mùa mưa, nước dâng cao, người dân chủ yếu phải đi bè ở khúc sông khác hẹp hơn, nhưng nước lại sâu hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân. Còn khi lũ về, cầu bị cuốn trôi toàn bộ, bè cũng không thể đi được, hai bên bờ sông lúc này hoàn toàn bị chia cắt, học sinh phải nghỉ học, cán bộ cũng không thể đi làm. Những năm thời tiết thất thường, nước lũ về nhiều lần, người dân dựng xong cầu chẳng được bao lâu lại phải chờ nước cạn rồi tiếp tục dựng lại.
Người dân đi lại trên cây cầu tạm vừa được dựng cuối tháng 11/2018
Thông thường, vào tháng 10 hằng năm, UBND xã Tân Việt sẽ tổ chức các cuộc họp với trưởng 4 thôn: Nà Cạn, Pá Mị, Bản Quan, Nà Lẹng là những thôn nằm sát với khu vực cầu để thảo luận, bàn giải pháp dựng cầu. Cuộc họp thường diễn ra trước ngày dự kiến dựng cầu từ 5 – 7 ngày để các thôn có thời gian chuẩn bị. Ngày dựng cầu thường được lựa chọn trong tháng 10, tháng 11, bởi thời điểm này, nước sông có độ sâu chỉ chừng 1 m, người dân mới có thể lội xuống để dựng cầu. Theo đó, mỗi năm, UBND xã sẽ sử dụng trên 4 triệu đồng từ nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giao thông của xã để mua rọ sắt, các loại dây thép buộc và các vật liệu cần thiết. Đối với 250 hộ dân thuộc 4 thôn trên, mỗi hộ sẽ được giao số lượng cây phải chuẩn bị để làm dầm và mặt cầu, đồng thời chuẩn bị số lượng đá cuội cỡ lớn cần thiết để làm mố cầu.
Sau khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị, mỗi hộ dân trên địa bàn 4 thôn sẽ cử ít nhất một người trong gia đình tham gia dựng cầu.
Khắc khoải của người dân
Chiếc cầu những năm qua được người dân dựng với 14 mố cầu, mỗi mố là một trụ. Trụ cầu được làm từ những chiếc rọ sắt chứa khoảng 1 mét khối đá. Sau khi hoàn thành, cầu dài trên 60 m và rộng 1,5 m, là nơi đi lại của nhân dân hai bên bờ sông.
Ông Nông Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Có được cây cầu kiên cố để việc đi lại được an toàn, thuận tiện là mong mỏi của nhân dân trong xã từ bao đời nay. Do đó, trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri hay các cuộc họp tại huyện, nhân dân cũng như lãnh đạo xã đề nghị rất nhiều lần mong muốn được Nhà nước quan tâm xây dựng cầu, ngầm tràn hoặc có phương án hỗ trợ nhân dân xây cầu. Tuy nhiên, nhiều năm qua, câu trả lời từ huyện vẫn là do kinh phí đầu tư xây dựng cầu rất lớn nên chưa thể thực hiện được.
Vậy là suốt gần một nửa thế kỷ, mong mỏi chính đáng của nhân dân xã Tân Việt chưa thực hiện được, họ cũng chỉ còn cách dựng cầu tạm hằng năm như một thói quen mà không biết rằng “thói quen ấy” sẽ còn kéo dài bao lâu?
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()