Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nhà nước ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng một chế độ dân chủ đậm tính ưu việt. Điều I, Hiến pháp 1946 quy định: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam!
Trên cơ sở nguyên tắc Hiến định “Cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”(1), cán bộ, thẩm phán ngành tòa án nhân dân (TAND) càng thấm thía lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ tư pháp từ những năm 50 của thế kỷ trước: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng…
Sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã đúc kết từ thực tiễn và khẳng định mục đích của đổi mới là: “… Phải vì lợi ích của nhân dân… Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân có vai trò quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng…”(2).
Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002 đã quy định cụ thể về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán. Điều 38 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 10 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đều quy định rõ: “Thẩm phán, Hội thẩm phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”. Ngoài những nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi quyền hạn của mình, TAND có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Đây là những nhiệm vụ chính của TAND mà trực tiếp thực hiện là những Thẩm phán trong khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.
Về tiêu chuẩn đạo đức để tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán tòa án đã được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân, nhưng phẩm chất đạo đức hàng đầu, trước hết của người cán bộ, Thẩm phán tòa án là tận tụy phục vụ nhân dân.Đây là yếu tố tiền đề, nền tảng hình thành nên đạo đức của người cán bộ, thẩm phán và phải được thể hiện ở tất cả các khâu công tác, các mặt hoạt động của cơ quan tòa án. Muốn vậy, mỗi cán bộ, thẩm phán phải thấm nhuần và thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Mỗi cán bộ, thẩm phán phải gắn bó máu thịt với nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đau nỗi đau của nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân trong quá trình tìm công bằng và chân lý. Ngay từ khâu tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện, đơn thư khiếu nại về tư pháp, cán bộ, thẩm phán tòa án cần nêu cao tinh thần vì nhân dân, thể hiện ở sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, xem xét nội dung vụ việc một cách toàn diện, tránh qua loa đại khái, cẩu thả làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của công dân. Khi tiến hành xác minh, điều tra các tình tiết của vụ án, cán bộ, thẩm phán tòa án càng phải đề cao tinh thần “Thận trọng, khách quan”, “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” không quản ngại khó khăn, gian khổ để tìm ra bản chất của vụ việc.
Được Đảng và nhân dân trao quyền “nhân danh Nhà nước” để ra những quyết định, để tuyên những bản án, sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử phải gắn liền với việc tuân thủ pháp luật. Tuyệt đối nghiêm cấm việc ra bản án tùy tiện, cảm tính, quyết định sai lệch, xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân, danh dự và uy tín của ngành, nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Mọi hoạt động của tòa án, của cán bộ – thẩm phán phải thực hiện đúng đắn phương châm “xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Hoạt động xét xử của tòa án muốn được nhân dân đồng tình ủng hộ, không có cách nào khác là phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. Một mặt, cán bộ, thẩm phán phải dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân để nhân dân giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động xét xử đạt hiệu quả, đặc biệt là khi mở những phiên tòa lưu động ở địa bàn dân cư. Mặt khác, tòa án gần dân, giúp dân để nhân dân hiểu rõ hơn đường lối xét xử của tòa án, tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật cho nhân dân, giúp họ tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, đồng tình, ủng hộ với những quyết định của tòa án.
Thực tiễn hoạt động xét xử trong nhiều năm qua đã chứng minh rằng: Người cán bộ thẩm phán nào, đơn vị tòa án nào làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ được sự ủng hộ, phối hợp của các tầng lớp nhân dân, của cấp ủy và chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương thì thường đạt kết quả công tác cao, hoàn thành nhiệm vụ chính trị một cách xuất sắc trong mọi mặt hoạt động.
Trong suốt quá trình 65 năm xây dựng và phát triển, 40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, ngành TAND đã có rất nhiều cố gắng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân; luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ngành TAND xứng đáng là công vụ sắc bén của chế độ nhằm nghiêm trị bọn phản cách mạng, trừng trị nghiêm minh các tội phạm khác, kết hợp tốt trừng trị với giáo dục, giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành TAND qua các thời kỳ lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập nước, 40 năm Ngày truyền thống của ngành, ngành TAND đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1985); và vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành tòa án, ngành TAND lại vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (2005).
Trước yêu cầu cấp thiết của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến việc đổi mới, cải cách hệ thống các cơ quan tư pháp. Ngày 2-1-2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/T.Ư về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Bộ Chính trị đã thông qua Đề án cải cách tư pháp và đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị, từ giữa năm 2007 đến nay. TAND tối cao đã triển khai xây dựng một số đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, như: Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm và đổi mới tổ chức, hoạt động của TAND tối cao; đề án cải cách tư pháp trong ngành tòa án quân sự; đề án nâng cao quy mô và năng lực của Trường Cán bộ tòa án; đề án tăng biên chế cán bộ, công chức ngành tòa án; đề án cải cách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức ngành TAND; đề án về công tác đối ngoại của ngành TAND; đề án phát triển công nghệ thông tin… Cùng với việc triển khai xây dựng các đề án nói trên, ngành TAND đã tiến hành sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị, nhằm đánh giá những mặt đã làm được, các khuyết điểm, thiếu sót, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư đã đề ra đối với ngành TAND trong thời gian tới.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, lập nhiều thành tích trong công tác, thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành TAND trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động những năm qua, đặc biệt là kết quả công tác năm 2009, TAND tối cao yêu cầu các TAND các cấp quán triệt đến từng cán bộ, thẩm phán, triển khai thực hiện một số nội dung công tác trọng tâm trong thời gian trước mắt, như sau:
Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, từng bước khắc phục việc để các vụ án quá hạn luật định; phấn đấu không để xảy ra việc kết án oan người không có tội và bỏ lọt tội phạm; hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, bảo đảm các quyết định của tòa án phải đúng pháp luật, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao và có tính khả thi; tập trung giải quyết nhanh và dứt điểm các vụ án hình sự và các tranh chấp, yêu cầu về dân sự nổi cộm, gây bức xúc trong giai đoạn hiện nay; tăng cường công tác xét xử lưu động; chú trọng và làm tốt hơn công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự; tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của tòa án cấp trên đối với các tòa án cấp dưới; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp, đặc biệt là các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái phẩm; làm tốt việc phát hành bản án và công tác thi hành án hình sự của ngành TAND.
Hai là, các cấp cần thường xuyên quán triệt, giáo dục cán bộ – thẩm phán thuộc quyền thực hiện nghiêm túc Quy chế văn hóa công sở tại cơ quan hành chính Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành TAND; cụ thể là: Khi thực hiện nhiệm vụ giải quyết, xét xử các loại vụ án, cán bộ – thẩm phán tòa án phải vui vẻ, cởi mở, hòa nhã, nhiệt tình, trung thực, thận trọng, công tâm, khách quan, toàn diện, bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ – thẩm phán tòa án phải ứng xử có văn hóa, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của công dân; tận tình hướng dẫn giúp người khiếu nại, tố cáo hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; thận trọng, khách quan khi tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị về những vụ việc có khiếu nại, tố cáo.
Nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, tố cáo; đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo.
Tại nơi cư trú, cán bộ – thẩm phán tòa án phải tham gia sinh hoạt và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, chịu sự giám sát của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương; đồng thời tuyên truyền, giáo dục, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của pháp luật và quy tắc sinh hoạt nơi công cộng.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước với chủ đề xuyên suốt là “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc rèn luyện phẩm chất người cán bộ đảng viên và thực hiện giai đoạn 2 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Xây dựng kế hoạch đôn đốc, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành TAND, xem đây là tiêu chí thi đua quan trọng của các cá nhân và tập thể trong các phong trào thi đua của ngành. Xây dựng và triển khai các chương trình kế hoạch tuyên truyền và phát động các phong trào thi đua sôi nổi trong toàn ngành, qua đó xây dựng các điển hình tiên tiến tận tụy phục vụ nhân dân.
Triển khai thực hiện việc công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt việc tiếp công dân theo kế hoạch quy định; triển khai và thực hiện nghiêm túc luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở.
Để thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm công tác trước mắt nói trên, mỗi cán bộ công chức, thẩm phán ngành TAND cần đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển của ngành, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, tận tụy phục vụ nhân dân và trong mọi hoạt động công tác đều phải luôn tự răn mình “ là công bộc của nhân dân” như lời Bác Hồ kính yêu đã từng dạy.
Trương Hòa Bình
Ủy viên T.Ư Đảng,Chánh án TANDTC
——————————————
(1) Điều 8 – Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hiện hành.
(2) Báo cáo chính trị của BCH T.Ư Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng – Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 71.
Ý kiến ()