Tân Tiến: Lợi ích kép từ trồng xen canh lúa nương
- Những năm qua, bà con nông dân tại xã Tân Tiến, huyện Tràng Định đã tận dụng diện tích đất mới trồng rừng để xen canh lúa nương. Qua đó, mang lại lợi ích kép, vừa tạo thu nhập cho gia đình, vừa hạn chế xói mòn và tạo nguồn phân hữu cơ tốt cho cây lâm nghiệp phát triển.
Thời điểm này, người dân trên địa bàn xã Tân Tiến đã thu hoạch xong vụ lúa nương. Vừa nhanh tay phơi từng bó lúa, bà Hoàng Thị Thảo, thôn Áng Mò chia sẻ: Mỗi năm, gia đình tôi khai thác và trồng mới khoảng 0,5 - 1 ha cây quế, tôi tận dụng diện tích này để trồng xen lúa nương ở năm đầu mới trồng rừng. Vụ lúa nương năm 2024, gia đình tôi trồng hơn 0,6 ha với các giống lúa: Khẩu Lùm Pua, lúa nếp vàng. Thời điểm này, gia đình tôi vừa thu hoạch xong, sản lượng thu về đạt gần 7 tạ thóc, có tư thương tới tận nhà để thu mua, với giá bán 15.000 đồng/kg thóc, gia đình tôi có thêm thu nhập gần 10 triệu đồng.
Cũng giống như gia đình bà Thảo, hộ bà Hoàng Thị Hiệng, thôn 1 cũng tận dụng diện tích đất mới trồng rừng để trồng xen canh lúa nương. Bà Hiệng cho biết: Vụ năm nay tôi gieo trồng lúa nếp nương và giống lúa Khẩu Lùm Pua trên gần 0,5 ha diện tích quế mới trồng. Đến tháng 10 âm lịch, lúa cho thu hoạch, sản lượng thu được gần 6 tạ thóc, mang lại cho gia đình thu nhập gần 10 triệu đồng. Việc xen canh lúa nương trên đất mới trồng rừng vừa giúp tận dụng diện tích đất để tăng thu nhập cho gia đình, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bón phân cho cây quế.
Không chỉ 2 hộ dân kể trên, nhiều hộ dân tại các thôn khác trong xã Tân Tiến cũng đã tận dụng diện tích đất mới trồng rừng để xen canh lúa nương. Việc trồng xen canh cây lúa ở đất rừng mới trồng đem lại lợi ích kép như: giữ ẩm cho đất, giảm bớt công làm cỏ trên rừng trồng cây lâm nghiệp; sau mỗi lần thu hoạch xong, phần gốc lúa sẽ phân hủy và tạo độ phì nhiêu cho đất giúp cho cây lâm nghiệp phát triển.
Theo số liệu của xã Tân Tiến, toàn xã hiện có khoảng 4.000 ha rừng quế, keo, mỡ, hồi, trung bình mỗi năm, người dân trong xã trồng mới khoảng 100 ha rừng. Với diện tích trồng rừng mới ở năm đầu tiên, người dân trong xã tận dụng trồng xen cây lúa nương với các loại giống như: Khẩu Lùm Pua, nếp nương...
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, các hộ trồng lúa nương từ tháng 3 - 4 âm lịch, đến tháng 9 - 10 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Việc trồng lúa nương không đòi hỏi nhiều công chăm sóc như lúa nước, chỉ cần tra hạt, đến kỳ làm cỏ. Lúa nương được trồng trên những đồi cao, khi thu hoạch, bà con chỉ hái bông lúa và bó thành từng bó nhỏ vận chuyển về nhà rồi phơi khô hoặc bán thóc tươi.
Lúa nương cho năng suất thấp hơn các giống lúa trồng ở ruộng, thế nhưng, do chất lượng gạo ngon, dẻo, thơm hơn nên hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn, thị trường tiêu thụ ổn định.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, lúa nương ở xã Tân Tiến được bán với giá 15.000 đồng/kg thóc, gạo được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 6.000 – 7.000 đồng/kg so với các loại thóc và gạo cấy ở ruộng.
Ông Hoàng Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Trồng xen lúa nương trên diện tích đất mới trồng rừng là phương thức lấy ngắn nuôi dài rất phù hợp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng xen lúa trên đất mới trồng rừng, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con.
Hiện nay, bà con trong xã đã thu hoạch xong lúa nương, năng suất đạt 10 tạ thóc/ha. Từ trồng lúa nương đã đem lại thêm thu nhập cho các hộ từ 10 đến 20 triệu đồng/hộ/năm. Như vậy có thể thấy, việc canh tác này đảm bảo đúng hướng với chủ trương phát triển lâm nghiệp, giúp người dân “lấy ngắn nuôi dài”, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Ý kiến ()