Tân Thịnh, xã điển hình nông thôn mới
Tân Thịnh là xã miền núi thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới. Qua hai năm triển khai, với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và tỉnh, huyện, Tân Thịnh đã có bước chuyển rõ nét. Hình ảnh một nông thôn văn minh, no ấm, yên bình đang hiện hữu ở từng thôn, bản, trong mỗi gia đình nông thôn.Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đặng Quang Tạo đón và làm việc với chúng tôi trong trụ sở ba tầng khang trang còn nồng mùi sơn mới. Anh chỉ sang ngôi nhà đối diện, giới thiệu đó là nhà Hội trường, đồng thời cũng là nhà văn hóa trung tâm của xã. Các công trình mới từ xã đến thôn, bản đều là kết quả của chương trình, kế hoạch mục tiêu của đề án 'Xây dựng nông thôn mới'. Tân Thịnh là xã miền núi làm thí điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước nên bước đầu còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên được ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ Trung ương, tỉnh, huyện và các ngành chuyên môn hỗ trợ...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đặng Quang Tạo đón và làm việc với chúng tôi trong trụ sở ba tầng khang trang còn nồng mùi sơn mới. Anh chỉ sang ngôi nhà đối diện, giới thiệu đó là nhà Hội trường, đồng thời cũng là nhà văn hóa trung tâm của xã. Các công trình mới từ xã đến thôn, bản đều là kết quả của chương trình, kế hoạch mục tiêu của đề án 'Xây dựng nông thôn mới'. Tân Thịnh là xã miền núi làm thí điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước nên bước đầu còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên được ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ Trung ương, tỉnh, huyện và các ngành chuyên môn hỗ trợ cho nên Đảng ủy, UBND xã, các tổ chức đoàn thể đã triển khai học tập, thảo luận nhận thức rõ chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Qua nghiên cứu 19 tiêu chí của nông thôn mới, bà con nông dân trong xã rất phấn khởi vì các tiêu chí đều hướng tới mục tiêu: Thúc đẩy sản xuất phát triển, xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, nâng cao đời sống văn hóa cho nông dân; xây dựng làng quê an ninh, trật tự, mọi người sống yên vui. Công tác tuyên truyền, giáo dục đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân địa phương. Để triển khai thực hiện đề án, Tân Thịnh đã thành lập ban chỉ đạo từ xã tới thôn, bản. Các ban chỉ đạo đều bảo đảm đủ thành phần: cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đại diện nhân dân tham gia.
Sau gần một năm triển khai đề án, Tân Thịnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể và các quy hoạch sử dụng đất đến năm 2014; quy hoạch phát triển, chỉnh trang khu dân cư; quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các quy hoạch theo tiêu chí, xã Tân Thịnh đều hoàn thành đúng tiến độ. Từ kết quả xây dựng quy hoạch, ban chỉ đạo của xã phân tích xem xét từng tiêu chí. Trong 19 tiêu chí trong đề án xây dựng nông thôn mới của Trung ương, Tân Thịnh đã có 8 tiêu chí đạt chuẩn. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, trong hai năm 2009-2010, Tân Thịnh tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, cải thiện nâng cao điều kiện ăn, ở cho nông dân. Để tạo được sự đồng thuận trong dân, ban chỉ đạo xã, thôn đi khảo sát từng hạng mục công trình để xây dựng kế hoạch triển khai thi công. Với sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của cấp trên cùng với tính chủ động sáng tạo, được nhân dân đồng thuận thực hiện. Trong hai năm 2009-2010, Tân Thịnh đã triển khai, hoàn thành 45 hạng mục công trình gồm: 13 km đường liên thôn, trong thôn được cứng hóa 5.737 m kênh mương chính được nâng cấp, cứng hóa; cải tạo hai trạm bơm, xây mới một trạm, chủ động nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Trạm xá, nhà văn hóa ở ba thôn được cải tạo, xây mới. Cho đến nay, Tân Thịnh đã đạt sáu tiêu chí thuộc nhóm cơ sở hạ tầng.
Chúng tôi đến thăm thôn Sậm, đường thôn rộng hơn 3m được trải bê-tông, các nhà trong thôn đều có cổng xây. Bí thư chi bộ thôn Sậm Nguyễn Văn Viết cho biết: Thôn Sậm có 380 hộ, đến nay theo tiêu chí mới chỉ còn 21 hộ nghèo. Đời sống người dân khá giả, nên khi thôn cần quyên góp người dân ủng hộ ngay, nếu mọi việc của thôn được dân chủ bàn, được kiểm tra công khai. Chỉ riêng tiền làm đường, nhân dân trong thôn đã góp 300 triệu đồng; chưa kể hàng chục hộ cắt hàng trăm mét đất để mở đường không lấy tiền đền bù. Ở thôn Sậm đã có 60 hộ xây cổng nhà khang trang và tu sửa nhà ở, công trình vệ sinh kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Đến thôn Cả, vùng sâu khó khăn của Tân Thịnh, cụ Nguyễn Văn Phát, người cao tuổi của thôn hồ hởi cho biết: 'Năm ngoái, nếu trời mưa phùn muốn vào thôn các bác chỉ có đẩy xe vì không đi được. Vậy mà bây giờ đường thôn, ngõ xóm đều được bê-tông hóa'. Thôn có 57 gia đình xây được cổng kiên cố, 58 hộ xây hầm bi-ô-ga. Tất cả các công trình cấp trên hỗ trợ 30% còn 70% kinh phí là dân tự đóng góp. Nhờ kênh mương kiên cố, sản xuất nông nghiệp ổn định; ngành nghề phụ phát triển cả thôn đã có 18 hộ có ô-tô vận tải. Tốc độ xây dựng hai năm qua khối lượng bằng 10 năm trước cộng lại càng khẳng định chủ trương xây dựng nông thôn mới được bà con nông dân trong thôn phấn khởi hưởng ứng. Cả thôn có 338 hộ đến nay chỉ còn chín hộ nghèo, bảy hộ cận nghèo theo tiêu chí năm 2010.
Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo cấp xã xây dựng nông thôn mới Đặng Quang Tạo chia sẻ: Thực tế ở Tân Thịnh đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn kỹ thuật còn yếu. Một bộ phận cán bộ xã, thôn, bản chưa có trình độ thẩm định, giám sát việc thi công các công trình xây dựng. Trong quá trình thực hiện đề án, nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên chậm, triển khai của các ngành thiếu đồng bộ dẫn đến công trình hoàn thành nhưng không thanh toán được vốn, gây khó khăn cho cơ sở. Tân Thịnh là xã miền núi, đồng ruộng cao thấp chia cắt nhiều, nên mục tiêu dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn khó khăn. Đến nay Tân Thịnh mới quy hoạch được vùng trồng cà chua bi xuất khẩu, có diện tích 38 ha; diện tích cây thuốc lá hai vụ 120 ha. Toàn xã mới có 55 hộ có quy mô chăn nuôi theo mô hình trang trại bán công nghiệp. Cơ cấu ngành nghề còn phân tán, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đặc biệt mục tiêu cơ cấu lại lao động còn khó khăn. Toàn xã có hơn 5.000 lao động; số lao động được đào tạo nghề cả ngắn hạn và dài hạn mới đạt 28%, kỹ năng ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có chất lượng, giá trị hàng hóa cao còn yếu. Trong hai năm xã mới mở được 16 lớp đào tạo nghề cho 483 người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn còn quá ít. Lao động đi làm ở các nơi không ổn định. Vấn đề việc làm, dư thừa lao động đang là thách thức đối với địa phương.
Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài. Ở những xã làm thí điểm như Tân Thịnh, phía trước còn không ít khó khăn. Tuy nhiên với kết quả bước đầu đáng khích lệ là động lực và kinh nghiệm để Tân Thịnh đi tiếp xây dựng thắng lợi mô hình nông thôn mới ở một xã miền núi có nhiều khó khăn. Thành công bước đầu của Tân Thịnh còn là bài học kinh nghiệm bổ ích cho các xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang.
Theo Nhandan
Ý kiến ()