Tán thành việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND
Việc thành lập Văn phòng chung kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng trước đây, khắc phục những hạn chế.
Sáng 18/9, tiếp tục Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Việc thành lập Văn phòng chung trên cơ sở hợp nhất hai văn phòng: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cần kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng trước đây, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.
Đồng thời, không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; vừa đảm bảo cho hoạt động phục vụ chung, vừa đảm bảo thực hiện chức năng riêng của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cho thấy Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết, mục đích, yêu cầu và quan điểm xây dựng Nghị quyết đã nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 2, giao Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng.
Tuy nhiên, nếu giao cho Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thành lập Văn phòng thì chưa thực sự phù hợp về mặt pháp lý, bởi khoản 4 Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội giao chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là đã gián tiếp quy định thẩm quyền cho Hội đồng Nhân dân hoặc Ủy ban Nhân dân.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 6 và Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền này.
Về số lượng và tên gọi các phòng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc xác định số lượng phòng phải căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, số lượng vị trí việc làm và số biên chế được giao.
Dự thảo Nghị quyết quy định cứng Văn phòng có 3 phòng và giao cho địa phương có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương là cần thiết.
Cụ thể, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và có khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu là 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu là 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc Văn phòng cấp tỉnh loại 1; tối thiểu là 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc Văn phòng cấp tỉnh loại 2và loại 3.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý việc quy định số lượng phòng như trong dự thảo và cho rằng, nếu thành lập thêm 1 phòng để đáp ứng công việc, cần căn cứ vào nhu cầu của từng địa phương.
Tổng biên chế nhân sự cho Văn phòng địa phương quyết định dựa trên vị trí việc làm, nhưng không được vượt quá số lượng quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, cần làm rõ khái niệm “thành lập mới” để phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời cần quy định cụ thể về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, vị trí, chức năng, quyền hạn của Văn phòng này.
Về biên chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần căn cứ vào khung biên chế theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cấp phó của Văn phòng này, Thường vụ Tỉnh ủy sẽ rà soát, đánh giá cán bộ và do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng nếu thành lập thêm phòng thứ 4, phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Trung ương là 7 biên chế với thành phố lớn và 5 biên chế với tỉnh, thành phố nhỏ, ít dân số…
Thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp
Tại phiên làm việc, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí việc thành lập thành phố Hồng Ngự.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, tính đến ngày 31/12/2019, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích tự nhiên là 3.383,85km2; quy mô dân số 1.693.313 người; có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã, 9 huyện; và 143 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 9 thị trấn, 17 phường và 117 xã.
Thị xã Hồng Ngự có diện tích tự nhiên 121,84 km2; quy mô dân số 100.610 người; có 7 đơn vị hành chính cấp xã. Việc thành lập thành phố Hồng Ngự trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Hồng Ngự hiện nay.
Sau khi thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và tổng số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 1 thành phố, giảm 1 thị xã; tăng 2 phường, giảm 2 xã.
Đánh giá về sự cần thiết thành lập thành phố Hồng Ngự, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ thị xã Hồng Ngự nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có vai trò là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật-văn hóa, hành lang kinh tế biên giới của tỉnh Đồng Tháp.
Những năm qua, nền kinh tế của thị xã có mức tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phúc lợi xã hội được chú trọng, tốc độ đô thị hóa nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và làm động lực để phát triển kinh tế-xã hội cho thị xã nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Việc thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Theo dự kiến phát triển của tỉnh Đồng Tháp từ nay đến năm 2030, sẽ sáp nhập huyện Hồng Ngự vào thành phố Hồng Ngự hiện nay./.
Ý kiến ()