Tân Thanh: Sau “tắc” dưa là “tắc” vệ sinh cửa khẩu
LSO - Với sự quyết tâm vào cuộc của các ban, ngành chức năng, Lạng Sơn đã giải quyết ách tắc dưa hấu xuất khẩu khá tốt. Thế nhưng hậu ách tắc dưa hấu dẫn đến mất vệ sinh môi trường cửa khẩu thì không dễ giải quyết được. Điều đó khiến Lạng Sơn lại phải tìm giải pháp cho vấn đề vệ sinh môi trường cửa khẩu.
Dưa, rác thải đang lấn dần cửa khẩu
Những ngày này, dọc tuyến đường vào cửa khẩu Tân Thanh, xuôi theo Quốc lộ 4A, các bãi đất trống ở cửa khẩu đâu đâu cũng bắt gặp những đống dưa hấu thối nẫu. Hầu hết dưa đã phân hủy, bốc mùi hôi thối, quanh đó là từng đàn ruồi, nhặng khiến cho vệ sinh môi trường ở cửa khẩu vốn đã khó nay lại càng nan giải hơn. Cùng với dưa hấu là từng đống rác thải của các nhà xe, từ rơm, vỏ cơm hộp, túi ni lông, than củi… vất bừa bãi trên đường.
Trao đổi với chúng tôi lái xe Huỳnh Tuấn Nghĩa, chở dưa từ Bình Định cho biết, dưa thải loại không bán được, phía Trung Quốc họ không cho đổ, phát hiện ra đổ dưa, đổ rơm trộm họ phạt rất nặng nên các lái xe phải mang về Việt Nam đổ. Thế là cứ tiện đâu đổ đấy, chẳng mấy chốc khu vực cửa khẩu trở thành nơi chứa rơm, rác và dưa hấu thải loại. Tính trung bình mỗi ngày có hàng tấn dưa phải đổ đi, và như vậy sau vụ ách tắc vừa qua ít nhất có hàng trăm tấn dưa hỏng bỏ lại ở cửa khẩu hoặc khu vực cửa khẩu. Như vậy những trái dưa ấy đã gây mất vệ sinh môi trường trầm trọng.
Bác Hoàng Thị Khai, người dân Bản Chang xã Tân Mỹ cho biết, nhà có mảnh đất trống ven quốc lộ toàn bị các lái xe đổ trộm dưa, cho đến giờ mảnh đất vài trăm mét của bác đã phủ kín dưa hấu loại, bốc mùi hôi thối mà chưa biết sẽ phải làm sạch môi trường thế nào? Trong khi đó, thấy người trước đổ được, người sau cũng đổ, làm cho đoạn đường dài vài trăm mét trên quốc lộ 4A lúc nào cũng lăn lóc dưa hấu thải loại. Cùng với dưa là rác thải của hàng nghìn xe ô tô đổ về cửa khẩu. Theo xe là hàng nghìn lái xe, người phục vụ. Cứ thêm một người thì lượng rác thải càng dầy lên.
Có mặt tại dọc các trục đường nhánh, trục chính cửa khẩu Tân Thanh, đoạn nối từ quốc lộ 4A vào cửa khẩu, chúng tôi thấy rác thải được rải thành từng vệt trên đường. Anh Sầm Văn Tính, cư dân thuộc thôn Bản Thảu xã Tân Thanh cho biết, chỉ có mấy ngày mà rác đã rải kín các lối đi vào cửa khẩu, rác rải thành từng vệt theo xe làm cho tình hình mất vệ sinh môi trường ở cửa khẩu thêm trầm trọng. Thế nhưng đã cả tháng nay không hề có công nhân dọn vệ sinh. Mà có người dọn vệ sinh thì chắc họ cũng chẳng thể nào dọn xuể bởi rác thải của các xe chở hàng phải chờ ở cửa khẩu đã kéo dài đến hàng chục cây số.
Nhìn khắp trên đường là từng vệt rác xanh đỏ đủ màu, chúng tôi chắc rằng sau vụ dưa hấu có lẽ phải rất sau lực lượng dọn vệ sinh mới giải quyết triệt để được. Trao đổi với chúng tôi, các lái xe tâm sự, do xe phải chờ vì vậy họ ăn, ngủ theo xe. Cảnh ‘ăn chực, nằm chờ’ đến tắm còn không có nước mà tắm thì làm sao quan tâm được đến rác thải. Hơn thế không có thùng rác buộc phải liệng rác ra đường. Cũng bất tiện nhưng không còn cách nào.
Trao đổi với chúng tôi thượng úy Đặng Nam Cao, thành viên Trung tâm Quản lý Cửa khẩu Tân Thanh cho biết, rác thải trong khu vực cửa khẩu là rất lớn, cứ mỗi xe dưa về, có thể xả ra khàng chục khối rác, chúng tôi đã kiến nghị với Trung tâm Quản lý để tăng cường khâu vệ sinh. Thế nhưng do lượng rác thải, dưa thải loại quá lớn mà lực lượng làm vệ sinh trong Cửa khẩu Tân Thanh lại quá nhỏ. Mọi cố gắng của công nhân vệ sinh chưa giải quyết được là bao.
Để giải quyết tình trạng rác thải mùa dưa, cần phải có giải pháp tình thế, như tăng cường đội ngũ công nhân vệ sinh theo thời vụ, huy động các tổ chức đoàn thể ở địa phương, lực lượng tình nguyện cùng chung tay thu gom, giải quyết rác thải. Một mặt phải có quy định trách nhiệm của nhà xe bằng việc nộp phí vệ sinh khi đổ rác và các sản phẩm thải loại hoặc nộp phạt khi không thực hiện nộp phí… Có như vậy vấn đề vệ sinh môi trường mới đảm bảo, nhất là vào giai đoạn đầu hè này khi mà mất vệ sinh luôn đồng nghĩa với bệnh dịch và mất mỹ quan khu vực cửa khẩu.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông Bắc
Ý kiến ()