LSO-Xã Tân Thành, huyện Cao Lộc có 698 hộ dân, 3.467 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh cùng sinh sống ở 10 thôn bản. Trong những năm qua, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong xã đã có sự đổi thay rõ rệt.Ông Lý Văn Can, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thế mạnh của xã là đồi rừng, nhưng để bà con yên tâm lao động sản xuất, gắn bó, bảo vệ rừng, không chặt phá, khai thác rừng bừa bãi thì phải đảm bảo được cuộc sống cho người dân. Vì vậy, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cùng với phát triển nghề rừng, phong trào chăn nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng được xã đẩy mạnh, bà con đồng tình hưởng ứng. Phong trào chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê ở Tân Thành đã phát triển từ năm 2000. Đến nay, gần 100%...
LSO-Xã Tân Thành, huyện Cao Lộc có 698 hộ dân, 3.467 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh cùng sinh sống ở 10 thôn bản. Trong những năm qua, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong xã đã có sự đổi thay rõ rệt.
Ông Lý Văn Can, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thế mạnh của xã là đồi rừng, nhưng để bà con yên tâm lao động sản xuất, gắn bó, bảo vệ rừng, không chặt phá, khai thác rừng bừa bãi thì phải đảm bảo được cuộc sống cho người dân. Vì vậy, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cùng với phát triển nghề rừng, phong trào chăn nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng được xã đẩy mạnh, bà con đồng tình hưởng ứng. Phong trào chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê ở Tân Thành đã phát triển từ năm 2000. Đến nay, gần 100% số hộ đều nuôi lợn, nhiều hộ đầu tư xây dựng chuồng trại khang trang, nuôi 40-60 con/năm. Sau đợt rét đậm, rét hại năm 2008, bà con đã nhanh chóng khôi phục đàn trâu, bò, đến nay, đàn trâu của toàn xã đã tăng cao hơn so với năm 2008 với tổng số gần 1.900 con. Đàn dê luôn được duy trì ở mức từ 450-500 con/năm. Ngoài cây lúa, ngô, người dân còn trồng một số cây mang tính chất hàng hóa như: dưa hấu, bí xanh, gừng…Vài năm trở lại đây, từ trồng gừng, một số hộ đã có thu nhập từ 20-30 triệu đồng/năm. An ninh lương thực đảm bảo, người dân yên tâm đầu tư trồng rừng và coi đây là thế mạnh của địa phương để phát triển bền vững.
|
Kinh tế phát triển, nhiều gia đình ở xã Tân Thành (Cao Lộc) đã xây được nhà khang trang |
Đưa chúng tôi đi thăm những cánh rừng thông, keo…xanh ngát, kéo dài tít tắp, chỉ về phía rừng thông đã bắt đầu cho khai thác, anh cán bộ xã tâm sự: từ năm 1993 trở về trước, hầu hết diện tích đất rừng nơi đây đều là đất trống, đồi núi trọc, có chăng chỉ là những tán cây bụi. Năm 1993, do là tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về tiềm năng kinh tế đồi rừng đã được nâng lên. Thực hiện dự án trồng rừng phòng hộ, toàn xã đã trồng được trên 300 ha thông, keo dọc bờ sông Kỳ Cùng. Năm 1996, xã tiếp tục trồng được trên 300 ha thông từ dự án trồng rừng 327. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm toàn xã trồng được từ 50-60 ha rừng thông dự án 661. Ngoài ra, sau khi được giao đất giao rừng, người dân đã chủ động mua giống cây lâm nghiệp về trồng…Vì vậy, độ che phủ rừng tăng nhanh qua các năm, đến nay, đã đạt 46%. Cùng với trồng rừng, công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng luôn được xã quan tâm thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ cây sống đạt cao, người dân có ý thức trong phòng cháy, chữa cháy rừng, không khai thác bừa bãi…Từ cuối năm 2009, nhiều rừng thông đến tuổi khai thác. Các gia đình đã bắt đầu tỉa thưa, khai thác nhựa thông để bán. Chỉ tính riêng trong năm 2010, đã có hộ khai thác nhựa, tỉa thưa rừng thông đạt mức thu nhập 200 triệu đồng, một số hộ đạt trên 100 triệu đồng. Đến thăm hộ gia đình bác Triệu Văn Hùng, thôn Sơn Chủ, nhờ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp trồng trên 20 ha đồi rừng mà gia đình bác đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, mua sắm được những vật dụng sinh hoạt năm 2010, gia đình bác thu được gần 200 triệu đồng từ khai thác nhựa thông, trên 50 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt. Cũng giống như gia đình bác Hùng, gia đình bác Mã Văn Thắng, thôn Sơn Chủ năm 2010 cũng đã có thu nhập trên 100 triệu đồng từ khai thác nhựa thông.
Nhờ biết tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển, đời sống người dân xã Tân Thành đã có những đổi thay rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 62% năm 1993 đến nay xuống còn 12%. Không còn hộ nào phải sống trong nhà tạm, dột nát. Tin chắc rằng, với hướng đi đúng đắn, từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp lấy trồng rừng làm mũi nhọn, Tân Thành sẽ tiếp tục có bước phát triển ổn định, bền vững.
Đức Anh
Ý kiến ()