Tân Thành: Nâng cao thu nhập từ mô hình phát triển sản xuất
(LSO) – Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng đã tập trung triển khai các mô hình trồng cây ăn quả, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xã Tân Thành có 1.807 hộ, với 7.795 nhân khẩu sinh sống ở 10 thôn bản, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, năm 2011, hầu hết các tiêu chí thuộc nhóm kinh tế, tổ chức sản xuất, văn hóa xã hội đều chưa đạt theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Người dân thôn Gốc Gạo chăm sóc cây cam đường canh
Ông Hoàng Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xác định thực hiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất là để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như: tổ chức rà soát, lựa chọn địa điểm và nhu cầu, khả năng của các hộ tham gia thực hiện mô hình; tạo điều kiện vay vốn tín dụng; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế; tổ chức cho các hộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình ở các địa phương khác… Trong đó, chúng tôi tập trung thực hiện các mô hình để chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất”.
Cụ thể, năm 2015, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng NTM, UBND xã Tân Thành đã tuyên truyền, vận động các hộ tham gia thực hiện mô hình trồng cây ăn quả. Theo đó, với số vốn 350 triệu đồng, xã hỗ trợ 5 hộ dân ở thôn Gốc Gạo tham gia trồng được 5 ha cây cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn và táo đại. Trong đó, các hộ được hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc…
Sau thời gian triển khai mô hình, đến năm 2017 đã có 5 ha diện tích cây ăn quả của xã cho thu hoạch, năng suất đạt 5 – 7 tấn/ha, đem lại thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng/ha.
Gia đình bà Vũ Thị Huyền, thôn Gốc Gạo là một trong những hộ tiêu biểu đã có thu nhập cao từ mô hình trồng cây ăn quả. Bà Huyền cho biết: Từ năm 2015, khi được xã tuyên truyền tham gia mô hình trồng cây ăn quả, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng 2 ha cây cam đường Canh và cam Vinh. Sau khi thực hiện, tôi thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, từ năm 2017 đến nay từ trồng cây ăn quả, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng thêm 3 ha bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam đường Canh…
Nhận thấy tính khả thi của mô hình, từ năm 2016 đến năm 2018, với tổng số tiền hỗ trợ thực hiện mô hình phát triển sản xuất là 1,250 tỷ đồng, xã tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả lên 20 ha (tập trung trồng các loại cây có múi) và xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích cây ăn quả. Trong đó, trồng chủ yếu ở các thôn như: Ao Kham, Vườn Chè, Gốc Gạo…
Từ chú trọng tuyên truyền, thực hiện các mô hình, Tân Thành đã từng bước phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Trong đó có nhiều hộ thu nhập 200 – 500 triệu đồng/năm như: ông Hồ Văn Sỹ, Tạ Quang Lâm thôn Gốc Gạo; ông Phan Văn Dịch, thôn Vườn Chè… Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33 triệu đồng/người/năm (tăng 8 triệu đồng/người/năm so với năm 2015).
Ông Hoàng Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết thêm: Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên tuyền người dân mở rộng diện tích, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đồng thời đưa các giống đảm bảo chất lượng vào trồng. Ngoài ra, xã tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để hỗ trợ người dân thực hiện mô hình này, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Tân Thành là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM và là cũng là xã đầu tiên trên địa bàn huyện được đầu tư, hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển sản xuất. Đến nay, mô hình của xã được đánh giá là mô hình phát triển sản xuất thực hiện bài bản nhất trong toàn huyện, đem lại thu nhập cao cho người dân. Hằng năm đều có các đoàn của các huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm tại xã.
Ý kiến ()