Tân Thành: Giảm nghèo từ rừng
– Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn có lợi thế để phát triển đồi rừng với diện tích đất lâm nghiệp lớn (2.673 ha, chiếm 89,2% diện tích đất tự nhiên của xã). Những năm qua, xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi hiệu quả giúp bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng rừng.
Dẫn chúng tôi tham quan rừng mỡ của gia đình, ông Nguyễn Văn Tảo, thôn Tân Vũ cho biết: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, có diện tích đồi rừng rộng lớn nhưng không biết trồng cây gì. Năm 2012, được xã tuyên truyền, vận động, gia đình vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng rừng. Cùng với số vốn vay mượn của người thân, gia đình tôi đã trồng được 15 ha cây mỡ. Năm 2022, rừng mỡ của gia đình tôi được khai thác đem lại thu nhập 1 tỷ đồng. Nhận thấy lợi ích kinh tế từ trồng rừng, năm 2023, gia đình tiếp tục trồng 2 vạn cây quế.
Người dân xã Tân Thành chăm sóc rừng
Không chỉ gia đình ông Tảo, hiện nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn thôn Tân Vũ đều trồng rừng để phát triển kinh tế. Ông Dương Hữu Lợi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Vũ cho biết: Hiện nay, diện tích rừng trồng của thôn có gần 300 ha, chủ yếu là cây mỡ, keo, quế, bạch đàn. Nhờ rừng, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng/người/năm so với năm 2021.
Được biết, phong trào trồng rừng ở xã Tân Thành bắt đầu phát triển từ năm 1991, theo đó, được sự hỗ trợ của Nhà nước về trồng rừng theo Dự án 661, người dân trong xã đã đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Sau khi Dự án 661 kết thúc, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ rừng, bà con chủ động trồng rừng sản xuất và mở rộng diện tích qua các năm, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, toàn xã có 503 hộ dân thì có khoảng 350 hộ phát triển trồng rừng tại 4/5 thôn, người dân chủ yếu trồng cây keo, mỡ, bạch đàn, quế, bồ đề…
Ông Triệu Phúc Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 4 – 5 lớp tập huấn, 2 lớp dạy nghề cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng. Các tổ chức đoàn thể xã cũng tích cực nhận ủy thác vốn vay ưu đãi với Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân phát triển trồng rừng. Đến nay, toàn xã có 377 hộ vay vốn với dư nợ trên 29 tỷ đồng (trong đó có 305 hộ vay vốn để trồng rừng với số tiền 19 tỷ đồng).
Nhờ sự định hướng của xã và sự chủ động của người dân, diện tích rừng của xã được nâng lên, hiện là trên 1.400 ha. Trong đó, hằng năm, người dân trồng mới từ 60 đến 70 ha; trung bình mỗi năm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của xã đạt trên 5.000 m3.
Hiệu quả kinh tế từ rừng đã và đang giúp nhiều người dân trên địa bàn xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 15,76% (giảm 9,28% so với năm 2016); thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm (tăng 23 triệu đồng/người/năm).
“Những năm qua, nhận thấy hiệu quả từ kinh tế đồi rừng đem lại, người dân xã Tân Thành đã tích cực trồng rừng đem lại thu nhập cao. Nhờ đó, hiện nay, Tân Thành là một trong những xã có phong trào trồng rừng tốt của huyện, đây cũng là xã có diện tích rừng cao thứ 2 của huyện. Hằng năm, sau khi khai thác, người dân đều chủ động đầu tư trồng rừng mới, qua đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng của xã đến nay đạt 66,4%”. Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn |
Ý kiến ()