Chia sẻ tâm tư, khó khăn với người dân
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về những khó khăn, hạn chế trong công tác tiếp công dân, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh Nguyễn Long Tuyền cho biết: Một trong những điều băn khoăn nhất của cán bộ thanh tra tiếp công dân hiện nay là thường xuyên thụ động và phải chấp nhận sự xúc phạm, lăng mạ của một số người dân, đôi khi rất nặng nề. Nguyên nhân của thực trạng này là do phần lớn người dân khi đến trụ sở thanh tra để KNTC đều mang sẵn trong lòng sự bức xúc, có khi đã bị dồn nén nhiều ngày do chính quyền ở cơ sở chưa giải quyết thỏa đáng những KNTC và kiến nghị.
Trong thực tế tiếp công dân, Thanh tra thành phố luôn cử những cán bộ am hiểu luật pháp, kiên nhẫn, kiên trì bởi chỉ có những phẩm chất này mới có thể giúp người dân “dịu” đi sự nóng nảy, bức xúc. Nhiều thời điểm, cán bộ tiếp dân phải giữ vai trò của những “nhà tâm lý học” thực thụ bởi không dễ dàng khi phải tiếp xúc với công dân trong khi sự bất bình chưa được giải tỏa, thậm chí là đến “đỉnh điểm”. Có nhiều đoàn đông người và các cá nhân khi đến làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân của Thanh tra TP mang theo đơn khiếu nại nhưng không biết cụ thể khiếu nại như thế nào là đúng quy định, quy trình. Phần lớn người dân đều quan niệm rằng, khi đến cơ quan thanh tra có nghĩa là thanh tra có trách nhiệm phải giải quyết tất cả các bức xúc của người dân, từ việc tranh chấp đất đai, chính sách đền bù đến những xích mích, bất hòa trong quan hệ dân sự tại cộng đồng dân cư…
Đáng chú ý, trong quá trình tiếp công dân, cán bộ thanh tra đã gặp và phát hiện nhiều trường hợp KNTC khá đặc biệt, đó là việc có người chuyên đi KNTC thay người khác, còn được gọi là kiện thuê. Như trường hợp bà Nguyễn Anh Đào là người có đơn thư ở hầu như tất cả quận, huyện trong thành phố; hay bà Lê Thị Thơ tại quận 2 cứ có mặt tại trụ sở tiếp dân là quát mắng cán bộ tiếp công dân; bà Nguyễn Thị Nhã có khiếu nại về tranh chấp đất đai đã được giải thích nhiều lần nhưng năm nào cũng đến trụ sở Thanh tra thành phố để la hét… Có trường hợp người dân ở quận 7 khi đi KNTC có cả luật sư đi cùng. Sau khi làm việc với cán bộ thanh tra, luật sư của người dân đã hiểu rõ sự việc và giải thích với thân chủ của mình là việc khiếu nại không có cơ sở. Tuy nhiên, người dân vẫn nhất định không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại.
Các cán bộ tiếp dân của Thanh tra thành phố cho biết: Điều 6 của Luật Tiếp công dân quy định rất cụ thể những hành vi bị cấm. Tuy nhiên, nhiều hành vi đó thường xuyên xảy ra tại nơi tiếp công dân, như: đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ. Đáng chú ý, ngày càng xuất hiện nhiều biểu hiện quá khích, tiêu cực từ một bộ phận người dân khi đến KNTC. Tuy nhiên, do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý trong biện pháp, chế tài cho nên các cán bộ tiếp công dân phải thụ động chấp nhận và trong những trường hợp cần thiết mới yêu cầu sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Phó Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Kiến Quốc cho biết: Không phải người dân nào khi KNTC đều có thái độ không đúng mực. Vấn đề quan trọng mà mỗi cán bộ tiếp dân cần ý thức sâu sắc là cách thức tiếp công dân như thế nào và phải đặt vị trí của mình vào tâm lý của người bức xúc, bất bình khi đi KNTC. Phần nhiều người dân khi đến với cơ quan thanh tra chưa hiểu hết những quy định pháp luật liên quan cho nên việc kiên trì hướng dẫn, tận tâm giải thích của cán bộ tiếp dân sẽ là nền tảng quan trọng để người dân hợp tác với cơ quan chức năng, cùng làm rõ sự việc. Trưởng phòng Thanh tra giải quyết KNTC của Thanh tra TP Hồ Chí Minh Võ Thị Thanh Vân kể cho chúng tôi nghe về lần đón tiếp cụ già 80 tuổi từ huyện Củ Chi, một mình lên trụ sở để kiến nghị về giải quyết chính sách cho người có công. Khi ra về, thấy cụ tần ngần, mọi người hỏi ra mới biết cụ không có tiền để trở về. Thấy vậy, các cán bộ tiếp dân mỗi người ủng hộ cụ một chút lộ phí để cụ yên tâm về nhà.
Chú trọng quyền lợi chính đáng của công dân
Cơ quan thanh tra không phải là nơi có thể giải quyết tất cả các khiếu nại, bức xúc của nhân dân bởi mỗi sự việc đều liên quan chặt chẽ tới rất nhiều các quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, sở, ngành và chính quyền địa phương. Chính vì vậy, việc giải quyết các kiến nghị của công dân không thể triển khai có kết quả trong ngày một, ngày hai. Trong thực tế, nhiều vụ việc khiếu kiện của người dân đối với chính quyền cơ sở, cả hai bên đều có những lý lẽ của riêng mình và cùng dựa trên những văn bản pháp luật cụ thể. Trước những vụ việc như vậy, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tìm ra tiếng nói chung và kiến nghị UBND thành phố xử lý hợp tình, hợp lý, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, vừa thực hiện tinh thần thượng tôn pháp luật. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để ngành thanh tra góp phần giải quyết những bức xúc của nhân dân và bảo đảm sự phát triển của thành phố. Với tinh thần đó, năm 2014, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã giải quyết thấu đáo ba vụ việc để đem lại quyền lợi chính đáng cho người dân; đến năm 2015 là 10 vụ việc. Tiêu biểu là trường hợp bà Nghiêm Thị Hường (quận 2) đã đồng ý, chấp nhận với Quyết định của UBND thành phố về việc công nhận diện tích đất và rút đơn khiếu nại đối với UBND quận 2. Trường hợp ông Lý Văn Hai (quận Thủ Đức) sau khi khiếu nại đã được Thanh tra thành phố nghiên cứu, xử lý và đề xuất UBND thành phố quyết định bồi thường bổ sung diện tích đất ở Trường hợp ông Phạm Văn Nghĩa (quận Thủ Đức) đã chấp thuận mức bồi thường bổ sung và chấm dứt khiếu nại…
Một điểm sáng của Thanh tra thành phố thời gian qua là trong công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, bên cạnh việc lắng nghe, chia sẻ những khúc mắc, tâm tư, nguyện vọng của người dân khi không đồng ý với kết quả giải quyết của lãnh đạo chính quyền cơ sở, các cán bộ thanh tra đã chú trọng giải thích chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành. Điều này đã góp phần quan trọng hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; tỷ lệ người dân tiếp tục khởi kiện tại Tòa án nhân dân thấp. Năm 2014 có 22 trường hợp người dân rút đơn khiếu nại và năm 2015 là 24 trường hợp.
Một nội dung khá quan trọng khác trong công tác tiếp công dân là thông qua ý kiến của bà con, Thanh tra thành phố phát hiện những vấn đề còn tồn đọng, những vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách và kịp thời trao đổi với các cơ quan liên quan, từ đó tham mưu UBND thành phố điều chỉnh, sửa đổi phù hợp, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn áp dụng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thành công của Thanh tra và các cơ quan chức năng thành phố trong việc giải quyết khiếu nại của người dân liên quan việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về những khó khăn đang gặp phải trong quá trình tiếp và xử lý KNTC của công dân, các đồng chí lãnh đạo Thanh tra thành phố cùng chung một băn khoăn, đó là, thời gian qua, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo phát sinh từ hoạt động của cơ sở khá lớn nhưng nơi phát sinh lại không giải quyết triệt để, cho nên công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tại thành phố có xu hướng tăng. Điều này chứng tỏ niềm tin của người dân đối với việc lắng nghe, tự sửa sai của cấp cơ sở chưa cao và còn bất cập. Trong khi đó, nhiều thời điểm, cơ quan thanh tra thành phố rơi vào tình trạng quá tải do số lượng công việc lớn, nhiều vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, người dân thường xuyên bức xúc tập trung tại cơ quan yêu cầu giải quyết sớm kiến nghị của mình… đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của thanh tra.
Để khắc phục thực trạng này, thời gian qua, Thanh tra thành phố đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn và đại biểu tham dự là các tổ trưởng dân phố, trưởng khu phố, ban thanh tra nhân dân, cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại đây, các cán bộ Thanh tra thành phố giới thiệu với đội ngũ cán bộ cơ sở các quy định về tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người KNTC; trình tự, thủ tục giải quyết KNTC; thẩm quyền giải quyết KNTC của các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời tuyên tuyền Thông tư của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình tiếp công dân và quy trình xử lý đơn KNTC, đơn kiến nghị, đơn phản ánh. Đây là hoạt động nhằm thực hiện Đề án 1-1133/QĐ-TTg về “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn”. Với cách làm này, Thanh tra thành phố mong muốn việc giải quyết KNTC của người dân sẽ dần được thực hiện có hiệu quả hơn nữa từ cơ sở, qua đó tăng cường tín nhiệm của người dân, đồng thời hạn chế việc khiếu nại vượt cấp.
Giải quyết KNTC của người dân là việc không dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì, am hiểu pháp luật, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ với những vấn đề bức xúc của nhân dân. Bên cạnh đó, còn là tinh thần phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, không đùn đẩy trách nhiệm, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ để giải quyết những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan những vấn đề mật thiết của nhân dân trong cuộc sống.
Sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội sẽ kéo theo những vấn đề nảy sinh từ thực tế và ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Vì vậy, vai trò của ngành thanh tra ngày càng quan trọng và cần được quan tâm cụ thể, kịp thời hơn nữa. Ngành thanh tra cần tập hợp được những cán bộ có tâm, có tài và họ sẽ là lực lượng quan trọng gần dân, sát dân, hiểu dân và giúp người dân kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống đúng quy định của pháp luật.
Ý kiến ()