LSO-Mạnh dạn đưa cây dưa hấu xuống chân ruộng một vụ đạt năng suất cao không còn là chuyện mới mẻ ở Lạng Sơn, đã có thời kỳ cây dưa hấu được coi là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng cũng lắm khi cây dưa hấu lại là cây “thêm nghèo” vì không có đầu ra. Đem dưa hấu trộn với mồ hôi nước mắt để… chăn lợn là chuyện đang xảy ra đối với nhiều hộ trồng dưa hấu trên toàn tỉnh. Tình hình cũng không mấy sáng sủa ở xã vùng biên Tân Mỹ, huyện Văn Lãng.Anh Lai đăm chiêu bên đống dưa hấu không bán đượcAnh Hoàng Đức Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ cho biết: xã Tân Mỹ có khoảng 1650 hộ, với gần 7.000 nhân khẩu sinh sống tại 18 thôn bản, trong đó có trên 95% dân số sinh sống bằng sản xuất nông lâm nghiệp. Năm 2011, toàn xã có trên 70 hộ, trồng khoảng 2ha dưa hấu, tập trung ở các thôn: Háng Mới, Nà Pục, Pò Cại. Đây là các thôn ở gần quốc lộ, rất thuận lợi cho việc gieo trồng, chăm sóc cũng như vận chuyển....
LSO-Mạnh dạn đưa cây dưa hấu xuống chân ruộng một vụ đạt năng suất cao không còn là chuyện mới mẻ ở Lạng Sơn, đã có thời kỳ cây dưa hấu được coi là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng cũng lắm khi cây dưa hấu lại là cây “thêm nghèo” vì không có đầu ra. Đem dưa hấu trộn với mồ hôi nước mắt để… chăn lợn là chuyện đang xảy ra đối với nhiều hộ trồng dưa hấu trên toàn tỉnh. Tình hình cũng không mấy sáng sủa ở xã vùng biên Tân Mỹ, huyện Văn Lãng.
|
Anh Lai đăm chiêu bên đống dưa hấu không bán được |
Anh Hoàng Đức Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ cho biết: xã Tân Mỹ có khoảng 1650 hộ, với gần 7.000 nhân khẩu sinh sống tại 18 thôn bản, trong đó có trên 95% dân số sinh sống bằng sản xuất nông lâm nghiệp. Năm 2011, toàn xã có trên 70 hộ, trồng khoảng 2ha dưa hấu, tập trung ở các thôn: Háng Mới, Nà Pục, Pò Cại. Đây là các thôn ở gần quốc lộ, rất thuận lợi cho việc gieo trồng, chăm sóc cũng như vận chuyển. Dù vậy, đến nay tổng số dưa đã thu hoạch của cả xã lên đến trên 50 tấn nhưng vẫn chưa bán được. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn đầu ra, các thị trường chính tiêu thụ dưa đang tràn ngập sản phẩm này. Mặt khác, dưa ở miền trong đang được vận chuyển nhiều qua các cửa khẩu lớn trên địa bàn. Các loại dưa ế, dưa loại với giá rẻ như bèo đang “quay đầu” cũng góp phần làm thị trường dưa thêm u ám. Đến thôn Háng Mới, chúng tôi bắt gặp nhiều đứa trẻ đang lấy những quả dưa non về làm bóng, những đôi mắt tròn xoe, đen nhánh như hạt dưa đang nhìn chúng tôi lạ lẫm. Hỏi một cháu bé tên Toàn, cháu cho biết: nhà đang dỡ dưa, các cháu còn nhỏ nên được bố mẹ sai mang các quả dưa non về chăn lợn. Ông Lăng Văn Yên, một người dân trong thôn cho biết: vừa rồi nhà ông có trồng hơn 3 sào dưa, năng suất đạt khá cao: 1,2 tấn/sào. Tuy nhiên dưa đã thu về 3- 4 ngày mà vẫn chưa bán được. Có vài người đến hỏi mua, trả giá 3000 đồng/kg nhưng mua cũng rất ít. Anh Hoàng Đại Lai, thôn Nà Pục vừa xoay xở bên đống dưa và nói: Cách đây khoảng chục năm, hầu hết các hộ trong thôn đều trồng dưa vì năng suất đạt rất cao, giá cả cũng khá. Nhưng 5 năm trở lại đây, do giá cả bấp bênh nên hầu hết đều bỏ. 2- 3 năm trở lại đây, một số hộ “trung thành” với cây dưa lại cho thu nhập khá vì dưa được giá. Thấy vậy, năm nay 19/20 gia đình trong làng đều quay lại trồng dưa. Hộ trồng ít cũng 2 sào, trồng nhiều thì 4 sào. Riêng nhà anh trồng 3,5 sào cho thu hoạch gần 4 tấn. Sản phẩm đã thu về 5 ngày mà vẫn chưa có người đến thu mua. Gia đình có mang đi bán lẻ, những mỗi ngày chỉ được 2- 3 quả, không thấm gì so với đống dưa đang xếp chật buồng trong gian ngoài. “Năm nay làm dưa lỗ to rồi”. Anh Lai than thở. Anh Nông Văn Thái thì nhẩm tính: mỗi sào đất trồng được khoảng 200 gốc dưa, mỗi gốc đầu tư từ khi làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch mất khoảng 20 nghìn đồng sẽ cho một quả khoảng 6kg. Như vậy, mỗi sào đạt năng suất khoảng 1- 1,2 tấn, chi phí mất 4 triệu đồng. Nếu bán với giá 3 nghìn đồng/kg theo giá thị trường như hiện nay thì mỗi sào sẽ lỗ khoảng 400 nghìn đồng. Nhưng dù chịu bán lỗ cũng không có người đến thu mua, trong khi các hộ trong thôn đã thu hoạch đồng loạt cách đây 4- 5 ngày. Nếu để thêm 1 tuần nữa dưa sẽ hỏng hết, lúc ấy những người trồng dưa ở xã sẽ mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Theo anh Mạnh: Gần như 100% số hộ trồng dưa trong xã đều trồng giống dưa Hắc Long. Đây là loại dưa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho quả to, mọng nước, trung bình mỗi quả đạt từ 5- 7kg, có quả to còn đạt 13- 15kg. Tuy nhiên giống dưa này có đặc điểm là không được đỏ lòng lắm, mặc dù ăn rất ngọt, mặt khác, việc quả dưa quá to cũng rất khó bán. Hiện này chính quyền xã cũng đang tìm cách để tiêu thụ dưa cho dân như: hướng dẫn cách bảo quản, tìm thị trường, tìm người mua. Tuy nhiên, do hiện nay thị trường đang tràn ngập dưa nên rất khó. Với việc một vụ dưa thất bát ở xã vùng biên Tân Mỹ do không có đầu ra, có thể thấy rằng, đây là hậu quả của việc sản xuất hàng hóa theo phương thức tự phát, chạy theo phong trào. Thêm nữa, cũng có thể nhận thấy vai trò của các ngành chức năng còn quá mờ nhạt trong việc định hướng, giúp đỡ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.
Minh Châu
Ý kiến ()