Tân Lập Tăng thu từ trồng cây ăn quả
(LSO) – Tận dụng lợi thế đất nông nghiệp, từ năm 2015, người dân xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn đã tích cực trồng một số loại cây ăn quả có múi cho giá trị kinh tế cao. Từ đó, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao.
Tân Lập là xã vùng 3 của huyện Bắc Sơn. Toàn xã hiện có 564 hộ với 2.560 nhân khẩu, sinh sống ở 8 thôn bản. Những năm trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng cây quýt (giống bản địa) tại các lân, lũng…kết hợp canh tác cây lúa, ngô, khoai, sắn nhưng hiệu quả không cao. Năm 2012, sau khi đi tham quan, học tập mô hình trồng cây ăn quả có múi tại tỉnh Hưng Yên, ông Dương Doãn Hùng – Chủ tịch UBND xã đã mạnh dạn mua cây giống cam Canh về trồng thử nghiệm. Nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của xã phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây có múi. Từ đó, ông đã tuyên truyền, vận động cán bộ xã và người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển cây ăn quả có múi cho giá trị kinh tế cao.
Người dân thôn Nà Yêu, xã Tân Lập chăm sóc cây cam đường Canh
Ông Dương Công Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Để tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; phân công cán bộ ủy ban và trưởng các hội, đoàn thể trực tiếp phụ trách địa bàn từng thôn bản để hướng dẫn và đồng hành cùng bà con nông dân trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở từ 5 đến 6 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc cây ăn quả. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả, các lớp tập huấn đã dành nhiều thời gian thực hành tại vườn mẫu theo phương thức “cầm tay chỉ việc” giúp bà con dễ quan sát và áp dụng vào thực tế….
Trước đây, diện tích cây ăn quả của xã chỉ khoảng 50 ha. Nhờ sự quan tâm, định hướng của xã cùng sự chủ động của bà con, từ năm 2015, phong trào trồng cây ăn quả bắt đầu phát triển mạnh. Hiện nay, toàn xã đã trồng được hơn 100 ha cây ăn quả, chủ yếu là: quýt, cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn….
Trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã Tân Lập, tiêu biểu phải kể đến hộ gia đình ông Dương Nam Kỳ – Chủ tịch Hội Nông dân xã. Ông Kỳ được biết đến là người đầu tiên mạnh dạn cải tạo đất ao bùn, kém hiệu quả để đầu tư phát triển trồng cây ăn quả. Ông chia sẻ: Năm 2015, tôi trồng 400 cây cam Canh. Sau một năm chăm sóc thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, tôi vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, trồng thêm 400 cây cam vinh và 200 cây bưởi diễn. Với vai trò chủ tịch hội nông dân, tôi tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc tốt vườn cây, làm gương cho các hội viên nông dân trong xã. Năm 2018, trừ chi phí, vườn cam Canh, cam Vinh mang lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô trước đây. Từ đó, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm cam vinh, cam V2… để nâng cao thu nhập.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Lập có khoảng120 hộ gia đình đã có thu nhập từ trồng cây ăn quả có múi như gia đình ông Kỳ. Trong đó, rất nhiều hộ có thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm như: hộ ông Hoàng Doãn Cẩm (thôn Nà Yêu); hộ ông Hoàng Doãn Quang (thôn Mỏ Pia); hộ ông Dương Công Thiệp (thôn Xa Đán); hộ ông Dương Doãn Hùng (thôn Nà Riến); hộ bà Lường Thị Lược (thôn Nà Nâm); hộ ông Lường Văn Quân (thôn Mỏ Khuyn); hộ ông Hoàng Doãn Hạt (thôn Lân Pán)…
Nhờ phát triển cây ăn quả, hiện nay, đời sống người dân trong xã ngày càng được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người 23 triệu đồng/người/năm, tăng 8 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 18,4%, giảm 9% so với năm 2016.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()