Tân Lập (Bắc Sơn): Phát triển kinh tế từ nuôi trâu, bò nhốt chuồng
– Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình. Qua đó, đem lại thu nhập cao cho các hộ dân, mở hướng làm giàu cho bà con trên địa bàn xã.
Đầu tháng 4/2021, đến thăm mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Lường Văn Sâm, thôn Nà Cái – một trong những hộ điển hình của xã Tân Lập trong chăn nuôi trâu nhốt chuồng đem lại thu nhập cao. Anh Sâm cho biết: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2016, được xã tuyên truyền, tập huấn, tôi biết đến phương pháp chăn nuôi trâu nhốt chuồng và áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình. Với hình thức này, tôi tốn ít thời gian, mỗi ngày chỉ mất vài tiếng cho trâu ăn và vệ sinh chuồng trại. Hiện gia đình tôi trồng gần 1 ha cây cỏ voi phục vụ chăn nuôi, trung bình mỗi năm tôi xuất bán từ 8 đến 10 con, đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng.
Anh Lường Văn Sâm, thôn Nà Cái chăm sóc đàn trâu
Cũng chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng, nhưng gia đình anh Hoàng Doãn Thịnh, thôn Nà Yêu lại chọn nuôi bò. Anh Thịnh cho biết: Nếu như trước đây nuôi theo hình thức thả rông phải mất 3 năm mới được xuất bán 1 lứa, thì nuôi vỗ béo chỉ mất khoảng 6 tháng là được bán. Vào đầu năm, gia đình tôi tìm mua những con bò gầy về vỗ béo, sau khi bán, được lãi từ 10 đến 15 triệu đồng/con. Hằng năm, gia đình tôi thường duy trì đàn bò khoảng 30 con, xuất bán 20 con/năm, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Với hiệu quả kinh tế của mô hình, từ năm 2016 trở lại đây, phong trào nuôi trâu, bò nhốt chuồng phát triển mạnh mẽ tại xã. Nếu như năm 2016, toàn xã chỉ có khoảng 10 hộ nuôi trâu, bò theo mô hình nhốt chuồng thì hiện nay, xã đã có trên 250 hộ nuôi với tổng số khoảng 1.200 con trâu, bò, phát triển ở cả 6/6 thôn. Trong đó, bình quân các hộ nuôi từ 5 đến 10 con/lứa, mang lại thu nhập từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm.
Xác định chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng đem lại thu nhập cao cho người dân, UBND xã Tân Lập đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình. Theo đó, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức khoảng 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật lồng ghép về chăn nuôi trâu, bò; tập huấn kỹ thuật ủ thức ăn chăn nuôi; tuyên truyền người dân trồng được khoảng 27 ha cỏ voi để tạo nguồn thức ăn tự nhiên…
Ngoài ra, hiện trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã (HTX) về chăn nuôi trâu, bò nhằm tạo sự liên kết giữa các hộ. Năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho HTX để đầu tư con giống.
Ông Dương Doãn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với chăn thả tự nhiên. Trung bình, một con trâu, bò nuôi vỗ béo từ 6 đến 8 tháng, thu lãi từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng/con. Nhận thấy hiệu quả như vậy, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng mô hình; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế.
Từ sự quan tâm, định hướng của xã, sự chủ động của người dân, mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 35% thì đến nay chỉ còn 2,53%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 36,1 triệu đồng/người/năm (năm 2020).
Ý kiến ()