Tận dụng vỏ quýt tạo chế phẩm phục vụ đời sống
(LSO) – Trong vỏ quýt có rất nhiều chất có giá trị cao đối với ngành y dược, mỹ phẩm. Lạng Sơn là khu vực có sản lượng quýt lên đến hàng nghìn tấn, nếu tận dụng lượng vỏ quýt bỏ đi để tách chiết tinh dầu thì có thể mang về cho người dân trên địa bàn tỉnh khoản thu nhập đáng kể.
Toàn tỉnh có trên 1.000 ha quýt các loại, sản lượng trên 3.300 tấn, cây quýt đã và đang mang về khoảng thu không nhỏ cho người dân. Sau khi ăn phần thịt quả, một phần nhỏ vỏ quýt được người dân thu gom làm gia vị, tinh dầu song phần lớn là bỏ đi. Qua nghiên cứu cho thấy, trong vỏ quýt có rất nhiều chất quý, đặc biệt là chứa một lượng đáng kể các hợp chất Flavonoid, trong đó quan trọng nhất là Hesperidin, một chất được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thuốc chữa bệnh cũng như thực phẩm chức năng. Nếu chiết xuất được chất này sẽ mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Với mục tiêu tận dụng triệt để các thành phần có trong vỏ quýt, từ tháng 6/2018 đến tháng 1/2019, nhóm nghiên cứu Trường THPT Chuyên Chu Văn An gồm: em Vũ Huyền Trang lớp 11A, Trần Hoàng Linh Chi lớp 11C, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Bùi Hương Giang, triển khai đề tài chiết xuất Hesperidin từ vỏ quýt và tổng hợp Hesperitin làm nguyên liệu dược phẩm, mỹ phẩm.
Nếu tận dụng vỏ quýt để tinh chế Hesperidin sẽ mang về cho người trồng quýt khoản thu nhập đáng kể
Theo đó, nhóm nghiên cứu thu gom vỏ quýt khô từ các hộ dân và bã bỏ sau khi chiết tinh dầu để tách chiết Hesperidin. Khai thác triệt để nguyên liệu vỏ quýt, nhóm nghiên cứu thực hiện chưng cất tinh dầu quýt, sau đó dùng bã vỏ tiếp tục chiết xuất Hesperidin. Nguyên liệu vỏ quýt được nghiền nhỏ đảm bảo sau khi chiết có thể loại bỏ bã dễ dàng mà vẫn đảm bảo hiệu suất cũng như năng suất. Sử dụng dung dịch kiềm để chiết Flavonoit toàn phần. Từ Flavonoit toàn phần nhóm tiến hành chiết Hesperidin và thu được sản phẩm dạng thô. Sau khi loại bỏ tạp chất thu được Hesperidin có độ tinh khiết trên 90%. Với độ tinh khiết như vậy Hesperidin sẽ được đưa vào sản xuất các loại dược phẩm.
Nguyên liệu để điều chế Hesperitin là Hesperidin được chiết từ vỏ quýt. Thủy phân Hesperidin trong môi trường axit đặc sẽ thu được Hesperitin. Đây là nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Trong y dược Hesperidin có tác dụng kháng viêm, chống ôxi hóa, chống dị ứng, chống ung thư, kháng vi sinh vật… Hesperitin có tác dụng làm giảm cholesteron, chống dị ứng, kháng khuẩn… Trong ngành mỹ phẩm chất này có tác dụng chống lão hóa, dưỡng da… Hiện trên thị trường thế giới, mỗi gram Hesperidin có giá rất cao, khoảng 2,8 triệu đồng/gram. Ngoài ra, trước khi sử dụng vỏ quýt để tinh chế người ta có thể tận dụng để làm tinh dầu, sau khi tinh chế có thể sử dụng bã làm phân bón cho đất chua.
Bà Bùi Hương Giang, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Cải tiến công nghệ sẵn có chúng tôi có quy trình tinh chế Hesperidin, quy trình này có thể chuyển giao cho bà con nông dân để thực hiện trong quy mô hộ gia đình. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm có kết hợp so sánh lượng Hesperidin thu được từ vỏ quả quýt trồng ở các khu vực khác nhau như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… thì thấy rằng quýt trồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho hàm lượng Hesperidin cao hơn trồng ở những khu vực khác. Điều đó cho thấy Lạng Sơn là khu vực tiềm năng tinh chiết Hesperidin. Cùng đó, thực hiện được quy trình tách chiết kết hợp để tạo ra cả Hesperidin và tinh dầu cho kết quả khả quan. Vì vậy, chi phí sản xuất thấp hơn, giá thành rẻ hơn, đặc biệt phù hợp với sản xuất quy mô nhỏ hộ gia đình.
Tại các lân, lũng chuyên canh cây quýt, hằng năm, lượng quả bị rụng khi chưa đến kỳ thu hoạch là không nhỏ, cùng đó, lượng vỏ quýt bị vứt đi sau khi sử dụng hết phần thịt cũng rất lớn. Với giá bán khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg vỏ quýt khô nếu tận dụng, thu gom để tách chiết tinh dầu và Hesperidin thì không những nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn đóng góp đáng kể cho ngành y dược, mỹ phẩm trong nước.

Ý kiến ()