Tận dụng tốt tiềm năng, biến Cát Bà thành "viên ngọc xanh"
Quang cảnh vịnh Lan Hạ, Cát Bà. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Công Thung, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, quần đảo Cát Bà có hệ sinh thái nổi trội. Ở đây có hệ thống đảo đá vôi ven bờ hình thành qua lịch sử phát triển địa chất lâu dài.
Cát Bà cũng chứa đựng đầy đủ các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học như rừng nguyên sinh, rừng ngập nước trên núi đá vôi, rừng kim giao, hang động, rừng ngập mặn, hồ nước mặn, rạn san hô. Đảo là nơi cư trú của 38.000 loài động vật, thực vật với 81 loài được xếp vào nguy cấp, quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ thế giới.
Tính đặc biệt của quần đảo Cát Bà là những ví dụ nổi bật, tiêu biểu cho các hệ sinh thái biển-đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình của châu Á với bảy hệ sinh thái liền kề, kế tiếp nhau phát triển trong không gian rộng lớn. Chính nhờ đặc điểm này đã giúp Cát Bà trở thành địa điểm du lịch có những nét riêng, độc đáo so với các danh lam, thắng cảnh khác, ngay cả với Vịnh Hạ Long – địa danh du lịch liền kề.
Ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hải Phòng, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của du lịch Cát Bà lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức, hiệu quả như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ cao cấp và sản phẩm du lịch đặc thù tương xứng với vị thế và giá trị mang tính toàn cầu, chưa tạo được sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh.
Để khắc phục tình trạng này, ông Đoàn Duy Linh cho biết thành phố Hải Phòng đã công bố quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cát Bà dựa trên những yếu tố của phát triển bền vững với tính chất là bảo tồn, tôn tạo các giá trị tài nguyên, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh về nguồn lực du lịch. Quan trọng nhất trong phát triển du lịch Cát Bà là cần tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch để nâng cao tính cạnh tranh của du lịch quần đảo Cát Bà trong mối quan hệ gắn kết giữa phát triển du lịch với Đồ Sơn, Hạ Long, Vân Đồn và các trung tâm du lịch khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng cả nước.
Nghiêng về khía cạnh cần đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch, tận dụng những lợi thế của Hạ Long để kết nối với Cát Bà, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, khẳng định sự liên kết sẽ đem lại giá trị cho các bên. Hàng năm có khoảng 100.000 lượt khách du lịch quốc tế đến với Hạ Long, trong đó có nhiều đoàn nối tour sang thăm quan các điểm tại Hải Phòng.
Hải Phòng lại có lợi thế lớn về cơ sở hạ tầng như sân bay quốc tế Cát Bi, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ giúp du khách tiết kiệm thời gian và Hải Phòng là điểm trung chuyển lý tưởng của các đoàn khách trong vùng Duyên hải Bắc Bộ.
Hơn nữa, việc liên kết cũng đã từng mang lại những hiệu quả thiết thực cho cả hai bên. Chẳng hạn, năm 2009, tuyến phà Tuần Châu (Hạ Long)-Gia Luận (Cát Bà) kết nối tuyến du lịch Hải Phòng-Quảng Ninh đi vào hoạt động. Có những ngày nghỉ lễ, phà Tuần Châu-Gia Luận hoạt động tới 30 chuyến, đưa đón gần 4.000 lượt khách, rút ngắn thời gian của du khách khi muốn đến với Cát Bà.
Cùng ý tưởng với ông Trịnh Đăng Thanh, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu, cho rằng khi kết nối trên mọi phương diện giữa Tuần Châu-Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng sẽ đem đến sự kết nối giữa hai vùng di sản, giữa kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.
Từ lâu Cát Bà đã là khu du lịch biển, đảo quan trọng của thành phố Hải Phòng. Khi đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và đường cao tốc Hải Phòng tới Tuần Châu-Hạ Long được đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian lưu chuyển trên đường từ Hà Nội tới Cát Bà. Từ điểm cuối của tuyến đường cao tốc này ở Hải Phòng đến Hạ Long chỉ còn 25km và chạy qua khu du lịch Tuần Châu. Tập đoàn Tuần Châu đang xây dựng các tuyến phà đi Cát Bà hành trình chỉ mất từ 40-45 phút, cùng với hệ thống taxi nước, du thuyền, thủy phi cơ từ Tuần Châu sang chỉ mất 15 phút. Như vậy, những hạn chế khiến du khách ngần ngại đến Cát Bà do thời gian lưu chuyển dài, đường xá, phương tiện không thuận lợi đã hoàn toàn được giải quyết.
Theo đánh giá của ông Tuyển, với tiềm năng, lợi thế của Cát Bà, trong hiện tại, tương lai, vùng đảo này sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn của hệ thống đảo và các quần đảo ven bờ của Việt Nam.
Để tận dụng các lợi thế trên, ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải, cho biết huyện đã đưa ra các nhóm giải pháp để phát triển du lịch Cát Bà. Bên cạnh việc kêu gọi, thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khả năng của huyện để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các dự án mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, huyện Cát Hải đã xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá trên các chuyên mục, chuyên trang của các báo, đài Trung ương, địa phương.
Ngành du lịch Cát Hải cũng đã xây dựng tám chương trình tham quan tiêu biểu trên quần đảo này như tham quan Vịnh Lan Hạ với những địa danh nổi tiếng như Hòn Nến, Hòn Buồm, hòn Bụt Đầy; tham quan vườn Quốc gia Cát Bà, tham quan khu du lịch sinh thái Suối Gôi ở xã Xuân Đám. Giải pháp tuyên truyền, đưa văn hóa du lịch vào nhà trường, công sở, khu dân cư cũng được chú trọng, hướng tới mục tiêu mỗi người dân là một “đại sứ” về văn hóa du lịch Cát Bà.
Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải cũng đưa ra sáu đề xuất, kiến nghị để xây dựng hình ảnh du lịch Cát Bà xanh, mang tầm vóc quốc gia, khu vực. Trong đó, huyện đề nghị Cát Bà được Chính phủ phê duyệt là Khu du lịch Quốc gia; thành phố Hải Phòng quan tâm để huyện triển khai quy hoạch du lịch tổng thể Cát Bà; đầu tư cho Cát Bà đảm bảo đồng bộ với hạ tầng huyện Cát Hải khi hoàn thành cảng nước sâu Tân Vũ-Lạch Huyện.
Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải cũng đề nghị Trung ương, thành phố thực hiện nhanh các giải pháp xúc tiến, quảng bá, nâng cao chất lượng du lịch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; các công ty lữ hành kết hợp chặt chẽ với huyện để triển khai liên kết du lịch…/.
Ý kiến ()