Tận dụng tối đa các lợi thế để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu
Việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu dương và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu dương và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Duy trì đà tăng trưởng
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kết thúc tháng 11, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 25,14 tỷ USD, giảm 7,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,05 tỷ USD, giảm 2,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 18,1 tỷ USD, giảm 9,8%.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 tăng 10,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 254,93 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,05 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,65% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,88 tỷ USD, tăng 7,1%, chiếm 71,35%.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%.
[Báo chí châu Á nêu bật “chìa khóa” giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng]
Cụ thể như mặt hàng điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 46,9 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Kế đó là các điện tử, máy tính và linh kiện đạt 40,2 tỷ USD, tăng 24,3%.
Hàng dệt may đạt 26,7 tỷ USD, giảm 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23,9 tỷ USD, tăng 44,5%; giày dép đạt 14,9 tỷ USD, giảm 9,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,1%.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có kim ngạch giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019, các nhóm hàng khác đều đạt mức tăng trưởng khả quan.
Đơn cử như kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản đạt 2,22 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Những mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái là thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, gạo, cao su…
Ngược lại, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn như rau quả giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019; cà phê giảm 30%; chè giảm 9,4%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 0,4%.
Ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh về nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng với kim ngạch đạt 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ…
Trái lại, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác sụt giảm do tác động của dịch COVID-19 như điện thoại các loại và linh kiện giảm 3,4%; hàng dệt và may mặc giảm 10,5%; giày dép các loại giảm 9,8%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù giảm 17,9%…
Nhận định về thị trường xuất khẩu, theo các chuyên gia thương mại, đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cùng với tình hình tương đối khả quan của xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, hàng hóa chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng cần nhập khẩu với kim ngạch đạt 207,39 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 88,44% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các chuyên gia thương mại cho hay, cán cân thương mại tháng 11 đạt mức xuất siêu 660 triệu USD đã nâng tổng mức xuất siêu của 11 tháng năm 2020 lên mức kỷ lục 20,16 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu 10,8 tỷ USD).
Khai thác lợi thế
Nhận định về kết quả khả quan trong xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian qua hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Hơn nữa, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Không những thế, ngày 15/11 vừa qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức được ký kết, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu với hơn 2,2 tỷ dân và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, để xuất khẩu về đích đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra, trong tháng cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, mở rộng, thúc đẩy và đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu cũng như tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định trong các FTA.
Mặt khác, xây dựng thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu./.
Ý kiến ()